Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021. Tuy nhiên năm nay tình hình không mấy khả quan, khi xuất khẩu sang các thị trường chính đều đồng loạt giảm, bên cạnh đó là sự cạnh tranh về giá bán, từ các quốc gia khác như Ecuador và Ấn Độ.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,6 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia nhận định, sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022.
Những tháng gần đây, kết quả xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục. Hai thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lớn này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Canada cũng tăng cường nhập tôm từ Việt Nam.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Người nuôi tôm khó khăn
Giá tôm hiện ở mức thấp kỷ lục trong vòng 3 năm nay gây ra nhiều khó khăn cho nông dân., nhất là đang trong thời điểm thu hoạch tôm thẻ với sản lượng lớn. Tại Bạc Liêu, bà con phải gánh áp lực không nhỏ, khi chi phí đầu tư tăng cao. Nhiều hộ thậm chí đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay.
Giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá bán giao động khoảng 110.000 đồng. Mức giá này người nuôi không có lợi nhuận cho dù năng suất có tăng cao. Với các hộ nuôi gặp bất lợi như tôm chậm lớn, dịch bệnh hay tỷ lệ đầu con thấp sẽ bị lỗ hoàn toàn. Không chỉ giá thấp, đầu ra cũng gặp khó vì doanh nghiệp chỉ mua tôm thương phẩm ở một số size nhất định.
"Giá thức ăn, thuốc thủy sản, các vật tư thiết bị để phục vụ nuôi tôm tăng. Thức ăn một năm tăng khoảng 2 - 3 lần, trong khi giá tôm hiện nay thấp", ông Tạ Hoàng Nhiệm, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải, Bạc Liêu, cho biết.
Hiện nay chí phí nuôi dao động khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg tôm thành phẩm loại 30 con. Theo các chuyên gia, nếu so với Ấn Độ hay Ecuado, chi phí nuôi chỉ khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg thì rõ ràng con tôm Việt Nam đang yếu thế. Ngoài ra. sản lượng nuôi ở 2 quốc gia này cũng gấp 2 - 3 lần Việt Nam. Còn ở khâu xuất khẩu, các mặt hàng tôm cũng gặp khó khi cạnh tranh với sản phẩm tôm từ các nước khác.
Các quốc gia có thế mạnh phát triển nuôi tôm đều đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi trong thời gian tới, vì vậy giá tôm khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Khi ngành tôm thiếu năng lực cạnh tranh
Không chỉ sản lượng tôm nuôi đang bị một số nước khác vượt qua, chất lượng tôm của Việt Nam nói chung và của thủ phủ tôm Bạc Liêu nói riêng cũng đang chịu lép vế. Nguyên nhân là vì phần lớn thiếu những chứng nhận cần thiết. Đây chính là giấy thông hành quan trọng để con tôm Việt rộng đường xuất ngoại.
Bạc Liêu có hơn 130.000 hecta nuôi tôm, nhưng đến nay chỉ có 1.300 hecta đạt được các chứng nhận như GlobalGAP, ASC, Organic. Việc thiếu kinh phí xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, phải lệ thuộc vào doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, khiến nhiều địa phương gặp khó khi mở rộng chứng nhận quốc tế.
"Các vùng nuôi chỉ dừng ở việc người dân hợp tác với nhau tạo thành diện tích tương đối lớn, sau đó kinh phí là các công ty hỗ trợ, nên việc mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn gặp khó khăn", ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, Bạc Liêu, cho hay.
Việc thiếu những chứng nhận cần thiết nên tôm nuôi của người dân dù có chất lượng vẫn bị bán theo kiểu tôm xô, giá rẻ và thị trường thường bấp bênh. Nhiều quốc gia đột ngột thay đổi quy định nhập khẩu sẽ làm lượng tôm này khó tiêu thụ hơn. Điển hình như năm 2021, Trung Quốc đưa ra quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông sản Việt Nam, trong đó có thủy sản khiến doanh nghiệp bị động hoàn toàn.
Không chỉ gặp khó khi nguyên liệu thiếu chứng nhận để cạnh tranh, mà đối với lĩnh vực xuất khẩu, Bạc Liêu cũng chưa được cải thiện.
"Sóc Trăng có nhà máy lớn, do đó kim ngạch xuất khẩu của họ hơn Bạc Liêu. Do đó, thời gian tới cần khuyến khích các nhà máy hiện có để nâng cao dây chuyền, công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, mặt khác thu hút đầu tư các nhà máy mới", ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, nhận định.
10 năm qua, Bạc Liêu cũng chỉ loay hoay ở các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên được ký năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh tiếp cận được các nước này.