Yếu tố không ngờ tác động đến cuộc phản công của Ukraine

Admin

VOV.VN - Bên cạnh nhiều lý do dẫn đến việc Ukraine phản công chậm như thiếu vũ khí và chưa thể chọc thủng phòng tuyến của Nga, một số chuyên gia chỉ ra một yếu tố có thể đã ảnh hưởng đến cuộc phản công của Kiev, đó là NATO.

Đà phản công của Ukraine không được như trước

Tiến độ phản công của Ukraine vào giai đoạn đầu Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, và vào tháng 9/2022 ở các tỉnh Kherson và Kharkiv đã làm dấy lên kỳ vọng rằng nỗ lực phản công mới nhất của Kiev có thể giành lại một phần lãnh thổ tương tự năm ngoái.

Yếu tố không ngờ tác động đến cuộc phản công của Ukraine - Ảnh 1.

Ukraine đang ở trong tháng thứ hai của cuộc phản công được phát động vào đầu tháng 6. Ảnh: Getty Images

Thiết bị và vũ khí từ các đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, xe tăng Challenger 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley đã tăng thêm hy vọng về khả năng Kiev sẽ đạt được bước tiến lớn trong cuộc phản công.

Tuy nhiên, không giống như những tiến bộ của năm ngoái, khi Ukraine tuyên bố đã giải phóng gần 12.000km2 lãnh thổ từ ngày 6/9 – 2/10, Kiev hiện chỉ giành lại quyền kiểm soát khoảng 208km2 lãnh thổ và 8 khu định cư.

Trong khi có nhiều lý do dẫn đến việc Ukraine phản công không như mong đợi, bao gồm cả sức mạnh hệ thống phòng thủ của Nga, một số chuyên gia chỉ ra một yếu tố có thể đã ảnh hưởng đến cuộc phản công của Kiev, đó là NATO. Theo các nhà phân tích, NATO đã đưa ra một thời hạn tùy ý cho cuộc phản công, nhưng sau đó không cung cấp sự chuẩn bị đầy đủ cho các lực lượng Ukraine.

Trong cuộc phản công năm ngoái, Ukraine đối mặt với các lực lượng Nga dàn trải mỏng, chưa có đủ lực lượng về hậu cần và chỉ huy. Nhưng hiện tại, Ukraine đang phản công trước hệ thống phòng thủ đã được xây dựng kiên cố của Nga.

Những vũ khí mới do phương Tây cung cấp cho Ukraine cũng gặp phải nhiều thách thức trên chiến trường như bãi mìn, hàng rào và boongke của Nga.

New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công, có tới 1/5 số thiết bị mà Ukraine triển khai tới chiến trường bị hư hỏng hoặc phá hủy.

“Những tiến bộ gần đây của Ukraine trên chiến trường rất đáng chú ý so với các biện pháp phòng thủ quy mô lớn của Nga. Ukraine vẫn phải bù đắp cho việc thiếu ưu thế trên không và thiếu đạn được. Đây là hai thành phần thiết yếu của một cuộc tấn công thành công”, một quan chức Mỹ cho biết.

Theo vị quan chức, các quốc gia phương Tây vẫn tin rằng Ukraine có thể đạt được bước đột phá trong cuộc phản công, dù nước này phải đối mặt với thời gian gấp rút để chứng minh sự hỗ trợ quân sự to lớn mà Mỹ và các đồng minh đang cung cấp cho Ukraine không phải là vô ích.

Bên cạnh đó, Ukraine cần tăng tốc phản công do mùa đông sắp tới sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường và sự ủng hộ dành cho Ukraine có thể giảm dần khi có sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ và các nước châu Âu trong các cuộc bầu cử sắp tới.

NATO là yếu tố khiến Ukraine phản công không như mong đợi?

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định, cuộc phản công của Ukraine nhằm vào các lực lượng Nga “không đáp ứng kỳ vọng trên bất kỳ mặt trận nào”. Các quan chức Mỹ cho rằng quân đội Ukraine và xe bọc thép “dễ tổn thương” trước các bãi mìn, tên lửa và không lực của Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận tiến độ phản công của Ukraine trên chiến trường “chậm hơn mong muốn”.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự lo ngại Ukraine đang đưa ra các quyết định quân sự theo thời gian biểu của phương Tây. “Thời điểm tiến hành các hoạt động vào mùa hè của Ukraine dường như được định hướng bởi các mốc thời gian của NATO, chứ không phải của Kiev”, nhà phân tích quân sự Allan Orr nói với Newsweek.

Chuyên gia Orr cho rằng NATO đã không cung cấp đầy đủ nguồn lực cho Ukraine, cũng như không cho Kiev đủ thời gian để sử dụng thành thạo các thiết bị mà họ cung cấp.

“Việc thiếu máy bay phản lực thế hệ thứ tư, số lượng hệ thống HIMARS hạn chế và sự chậm trễ trong việc chuyển giao thiết giáp đã khiến Ukraine không thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga”, ông Orr cho hay.

Theo ông Orr, Ukraine đang cố gắng thâm nhập toàn bộ mặt trận cùng một lúc với nguồn lực hạn chế.

“Thay vào đó, Ukraine cần phải sắp xếp các nguồn lực hạn chế để thâm nhập vào một số điểm dọc theo chiến tuyến bằng cách áp đảo đáng kể quân phòng thủ của đối phương tại các điểm được chọn. Đó là cách một quân đội có số lượng hạn chế chiến đấu”.

Nicolò Fasola, nhà nghiên cứu tại Đại học Bologna ở Italy, cho rằng, chỉ cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine trong cuộc phản công là chưa đủ.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tập trung quá nhiều vào khía cạnh công nghệ của chiến lược với hy vọng rằng cung cấp cho Ukraine vũ khí tiên tiến sẽ đủ để họ vượt qua các lực lượng Nga”, ông Fasola nói.

“Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí tối tân, nhưng không có đủ thời gian để huấn luyện họ một cách kỹ lưỡng và bài bản. Ngay cả ở cấp độ chiến thuật, có những binh sĩ Ukraine nhiều kinh nghiệm, những người có thể học rất nhanh để sử dụng vũ khí, cũng rất khó để tích hợp vũ khí mới vào học thuyết của họ trong một thời gian rất ngắn”.

Theo Glen Grant, chuyên gia phân tích tại Quỹ An ninh Baltic, phương Tây cung cấp cho Ukraine những vũ khí tinh vi hơn là điều tốt, nhưng Kiev cần có nhiều thiết bị bộ binh hơn như súng phóng lựu, đặc biệt là ở những khu vực như Bakhmut, nơi giao tranh chủ yếu do lực lượng bộ binh tiến hành.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng còn quá sớm để đánh giá cuộc phản công của Ukraine vì Kiev vẫn có lực lượng dự bị đáng kể và có thể tiến hành các chiến dịch quyết định bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu.

New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Lầu Năm Góc hôm 26/7 cho biết, gần hai tháng sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch phản công, Kiev đã bắt đầu tung “đòn tấn công chính” của chiến dịch bằng cách triển khai hàng nghìn binh sĩ trong lực lượng dự bị. Theo đó, nhiều binh sĩ Ukraine được triển khai trong đợt phản công lần này từng được các đồng minh phương Tây của Ukraine huấn luyện và trang bị khí tài.