Anh nông dân nuôi loài vật quý "nhả ra vàng", nhẹ nhàng kiếm 1,5 tỷ đồng/năm

Admin

Nuôi loài chim hoang dã có giá trị kinh tế cao, anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định có thu nhập hàng tỷ đồng khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Vốn là thanh niên năng động, khao khát làm giàu tại quê hương, anh Thuận không ngừng tìm hiểu và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế gia đình như: trồng đinh lăng, nuôi thủy sản.

Theo đó, năm 2013, nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng ở quê đang phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao, chàng trai trẻ Đinh Văn Thuận quyết định rời Tp.HCM trở về quê khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Được mệnh danh là cây "xóa đói giảm nghèo" lúc bấy giờ, nên anh Thuận tận dụng ruộng vườn có sẵn của gia đình, cải tạo lại đất, sau đó trồng cây đinh lăng. Anh vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, đồng thời mở rộng thêm diện tích canh tác.

Thời điểm đó, anh Thuận quy hoạch được hơn 2 ha, trồng chuyên canh cây đinh lăng, áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động. Mô hình phát triển, sản xuất ổn định nhiều năm liền. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Phát huy sức mạnh của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương, phát triển kinh tế gia đình, anh Thuận không ngừng học hỏi, tìm hiểu, đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế mới lạ ở các tỉnh lân cận.

Trong một lần đi tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi chim yến ở Ninh Bình, anh nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới, chắc chắn sẽ đem lại thu nhập ổn định trong tương lai.

Anh nông dân nuôi loài vật quý "nhả ra vàng", nhẹ nhàng kiếm 1,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Anh Thuận đóng chai sản phẩm yến chưng sẵn. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Nghĩ là làm, trở về quê, anh Thuận quyết định đầu tư tiền, xây dựng nhà nuôi chim yến trên mảnh đất quê hương, mở ra triển vọng to lớn cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh Nam Định.

"Năm 2019, tôi khởi công xây dựng nhà nuôi chim yến. Đến năm 2020, thì nhà nuôi chim yến rộng khoảng 200 m2 chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà nuôi yến đầu tiên ở tỉnh Nam Định", anh Thuận chia sẻ với Dân Việt.

Trên diện tích vườn của gia đình, anh Thuận xây nhà nuôi yến theo công nghệ Malaysia. Căn nhà 3 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 200m2 được đầu tư thiết bị âm thanh thu hút chim; đồng thời, thiết kế đặc biệt giúp yến dễ dàng trú ngụ, làm tổ.

Nhà nuôi chim yến của anh cách biển khoảng 300m, gần cánh đồng lúa xen kẽ những con sông và hàng trăm ao hồ nước ngọt, đây là môi trường lý tưởng, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến. Sau 1 năm dẫn dụ, nhà yến đã thu hút được hơn 3.000 chim yến về cư trú, làm tổ.

Trao đổi với TTXVN, anh Thuận cho biết, chim yến vốn là loài nhạy cảm, khí hậu miền Bắc không ổn định, có năm ấm, có năm giá rét nên những năm đầu sản lượng yến của gia đình chỉ đạt từ 30 - 40kg/năm. Sản lượng thấp trong khi nhu cầu về tổ yến ngày càng cao, anh trăn trở tìm cách gọi đàn chim về.

Anh nông dân nuôi loài vật quý "nhả ra vàng", nhẹ nhàng kiếm 1,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm yến của gia đình anh Đinh Văn Thuận được bán, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Mai Chiến/báo Dân Việt

Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu tập tính, độ ẩm thích hợp, nhiệt độ cơ thể, nhiệt độ thích nghi, nhiệt độ tới hạn của loài yến. Theo đó có những điều chỉnh tại nhà yến, biến nơi đây trở thành nơi lý tưởng cho yến làm tổ, từ đây lượng đàn về ngày càng nhiều.

Với kinh nghiệm của mình, nhà yến của anh hiện có khoảng 7.000 con về làm tổ. Trung bình mỗi tầng nhà yến có khoảng 1.000 tổ. Việc thu hái tổ được anh tiết lộ, chỉ hái những tổ chim non đã trưởng thành để bảo đảm nhân đàn.

Thông thường tính từ khi chim bố mẹ làm tổ, sau 3 tháng đã có thể thu hoạch tổ yến. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch 70 – 80kg yến với giá bán yến thô khoảng 23 triệu đồng/kg; yến tinh chế 32 triệu đồng/kg, cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng.

Anh nông dân nuôi loài vật quý "nhả ra vàng", nhẹ nhàng kiếm 1,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Các sản phẩm yến của cơ sở sản xuất yến sào Đinh Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN.

Tháng 11/2023, gia đình anh có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là yến thô và yến tinh chế. Ngoài hai sản phẩm này, hiện cơ sở của anh đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm tiện lợi như: yến chưng sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Thuận cho biết, anh chủ động đưa sản phẩm đi phân tích thành phần, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, tem mác phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, nhận thấy các nền tảng số ngày càng phát triển, anh Thuận đã nắm bắt cơ hội, đưa các sản phẩm yến đạt chuẩn OCOP của gia đình lên ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Nhờ đó, các sản phẩm yến như yến thô, yến tinh, yến trưng của gia đình anh được nhiều khách hàng biết đến, đầu ra tiêu thụ sản phẩm thuận lợi…

"Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị…, tôi còn đưa sản phẩm yến lên các nền tảng số.

Trong đó, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok đã giúp gia đình tiêu thụ đầu ra mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là xúc tiến thương mại", anh Thuận cho hay.

Hiện nay, ngoài việc kinh doanh các mặt hàng yến, anh Thuận còn cung cấp các loại dược liệu sạch, an toàn do gia đình anh tự trồng và liên kết với người dân trong vùng như đinh lăng, dây thìa canh, hương nhu… Tất cả các loại dược liệu này cũng đang được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Anh Thuận khẳng định, áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại hiệu quả cao, cao gấp nhiều lần so với cách bán truyền thống như trước đây. Cụ thể, bán được nhiều hàng hơn; mở rộng được thị trường tiêu thụ, khách hàng; giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…

Chị nông dân trồng cây không lá Chị nông dân trồng cây không lá "quý như vàng", nhẹ nhàng kiếm 3 tỷ đồng/nămĐỌC NGAY

Theo anh Thuận, với hình thức bán hàng online, khách hàng không được tiếp cận trực tiếp sản phẩm, do đó chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp đến là câu chuyện về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm phải đúng và thật. Có như vậy, khách hàng mới tìm đến mình, quay lại mua sản phẩm của mình.

Anh Thuận chia sẻ, anh mong muốn đưa sản phẩm của mình tiêu thụ tại nước ngoài. Để hiện thực điều đó, tương lai anh sẽ đầu tư máy móc phục vụ việc tinh chế yến, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu; đồng thời, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm, làm hài lòng mọi khách hàng.

Hiện, anh đang hỗ trợ trên 30 hộ nuôi yến trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tổ yến. Cơ sở của anh cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với mức lương 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho biết, cơ sở nuôi yến của anh Đinh Văn Thuận đã được cấp mã số cơ sở nuôi, việc chế biến đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn. Đây cũng là một trong những điển hình của huyện trong phát triển kinh tế gia đình, mở ra hướng đi với con nuôi mới cho nhân dân.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, những năm gần đây, phong trào nuôi yến lấy tổ được nhiều hộ dân trong huyện áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, yến là loài chim hoang dã nên khi nuôi phải khai báo và có sự nhất trí và quản lý của cơ quan nhà nước; chỉ được nuôi tại các cơ sở đủ điều kiện, cách biệt khu dân cư để đảm bảo vệ sinh, tránh gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Minh Hoa (t/h)