Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, giật cấp 12 hướng vào nước ta

Admin

(NLĐO) - Áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ nhanh chóng mạnh lên thành bão, mạnh cấp 10, giật cấp 12 và có thể tiếp tục mạnh thêm, đang hướng vào vùng biển phía Bắc nước ta

Hồi 7 giờ sáng nay, 15-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/giờ), giật cấp 9.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, giật cấp 12 hướng vào nước ta - Ảnh 1.

Vị trí và dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 10-15 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Khoảng sáng ngày mai 16-7, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 670 km về phía Đông Đông Nam. Bão dự báo mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ 16,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Dự báo những giờ tiếp theo, bão tiếp tục mạnh thêm.

Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 17-7, bão có khả năng mạnh lên cấp 10, giật cấp 12. Vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 310 km về phía Đông.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Cường độ có khả năng mạnh thêm.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh. Sóng biển cao 3-5 m.

Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo triều cường, sóng lớn ở ven biển Tây Nam Bộ. Hiện trạng thủy triều ven biển Tây Nam Bộ đang có xu thế tăng. Dự báo thủy triều cao nhất vào các ngày 15 đến 17-7. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, độ cao sóng tại vùng biển này dao động trong khoảng 2- 3 m, biển động.

Cảnh báo thủy triều cao kết hợp với sóng lớn và nước dâng do gió mạnh có thể gây sạt lở bờ biển và ngập úng tại các khu vực trũng thấp ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ, nhất là tại Cà Mau.

Mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Đêm qua và sáng nay 15-7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, có nơi trên 120 mm như: Nậm Hàng (Lai Châu) 145,6 mm, Huổi Lèng (Điện Biên) 197,6 mm, Việt Tiến (Lào Cai) 129,8 mm, An Lạc (Yên Bái) 159,4 mm, Ia Dom (Kon Tum) 148,4 mm, Ia KRai (Gia Lai) 215 mm,…

Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào chiều và tối còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.