VinFast Auto (VFS) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 với lượng tô tô điện bàn giao đạt 10.027 xe, tăng 5% so với quý II.
So với phần lớn các hãng xe điện danh tiếng đã được ghi nhận trên toàn cầu, mức doanh số này có phần khiêm tốn nhưng không phải không có những tín hiệu lạc quan cho hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng.
Xét về doanh số, nhóm các hãng xe thuần điện đã niêm yết toàn cầu – tức là không tính các hãng ô tô truyền thống, vốn kinh doanh cả xe sử dụng động cơ đốt trong, xe hybrid và xe thuần điện - đang chia làm 3 thứ bậc.
Nằm trong nhóm đầu tiên chính là Tesla và BYD, với vốn hóa và doanh số vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại. Trong quý III, Tesla là hãng bán nhiều xe điện nhất thế giới với 435.059 xe nhưng đã bị BYD bám sát với 431.603 xe. Nếu tính cả các mẫu xe hybrid, BYD mới là số một thế giới với hơn 900.000 xe bán ra.
Đây cũng là 2 hãng xe điện có vốn hóa lớn nhất thị trường với Tesla ở mức 825 tỷ USD còn BYD là 91,8 tỷ USD (theo Company Market Cap, ngày 6/10).
Nhóm thứ 2 gồm những nhà sản xuất đạt doanh số 40-100.000 xe/quý. Nhóm này gồm toàn các startup Trung Quốc như Li Auto (105.108 xe), Nio (55.432 xe) và Xpeng (40.008 xe). Điểm chung của nhóm này là có “bàn đạp” cực lớn chính là thị trường quê nhà Trung Quốc với nhu cầu cao, sức tiêu thụ mạnh mẽ. Nhóm này đều đã lên kế hoạch hoặc hiện diện tại thị trường nước ngoài nhưng chưa đạt được thành tựu đáng kể.
Trên thực tế, BYD - một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc - cũng có chung những đặc điểm này nhưng so với các startup trong nhóm 2, BYD đã hiện diện tại nhiều thị trường nước ngoài hơn và đã bắt đầu “ghi điểm” tại các thị trường này, đặc biệt là Đông Nam Á và châu Âu.
Nhóm thứ 3 là các nhà sản xuất với doanh số dưới 15.000 xe/quý gồm có Rivian (15.564 xe), Polesta (13.900 xe), VinFast (10.008 xe) và Lucid (1.404 xe).
Trong số này, VinFast đang được định giá khoảng 19,8 tỷ USD, Rivian là 17,3 tỷ USD, Lucid 11,8 tỷ USD còn Polesta là 5,8 tỷ USD.
Như vậy, mục tiêu thiết thực ban đầu của VinFast sẽ là vượt qua doanh số của các hãng như Rivian và Polesta, vốn bàn giao đến khách hàng lượng xe không quá chênh lệch so với hãng xe Việt trong quý gần nhất.
Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được sớm nếu nhìn vào quy mô kinh doanh của cả 3. Rivian và Potesta đều là những startup tại Mỹ, bán những mẫu xe khá cao cấp – chẳng hạn xe Rivian có giá từ 75.000 USD, trong khi quy mô sản xuất chưa lớn. Ngoài ra, 2 hãng xe này cũng chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc kinh doanh tại các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Rivian đặt mục tiêu bán khoảng 50.000 xe trong năm nay – khá tương đồng với mục tiêu của VinFast.
Trong khi đó, hãng xe Việt hiện đã chính thức kinh doanh tại 3 thị trường gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, trong đó thị trường Việt Nam được xem là “điểm tựa” của VinFast trong giai đoạn này. Rất nhanh trong quý IV, VinFast cũng sẽ bán xe tại một số thị trường châu Âu. Ngoài ra, dải sản phẩm của VinFast cũng phong phú hơn hẳn, trải dài ở tất cả phân khúc.
Đó là chưa kể đến kế hoạch mở rộng ra đến 50 thị trường trong năm 2024, theo công bố trong báo cáo tài chính mới đây của hãng xe Việt. Cụ thể, hãng đã lên kế hoạch cho việc mở các nhà máy tiếp theo tại Indonesia, Ấn Độ, trong đó nhà máy công suất thấp nhất tại Indonesia và Ấn Độ cũng có thể sản xuất 50.000 xe/năm, nhà máy tại Mỹ là 150.000 xe/năm còn nhà máy ở Việt Nam là 250.000 xe/năm, có thể nâng lên 950.000 xe/năm.
Tất nhiên, tất cả những điều này mới chỉ nằm trong kế hoạch nhưng với tốc độ “chạy” của VinFast trong những năm qua, nếu hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng bắt kịp mức doanh số của các nhà sản xuất thuộc nhóm 2 là điều không bất ngờ.
Tuy nhiên, phía trước không chỉ toàn màu hồng với VinFast và cả các nhà sản xuất xe điện khác. Nên nhớ thị trường vẫn còn đó hàng loạt các ông lớn là các hãng xe truyền thống, vốn cũng đang chuyển mình rất mạnh mẽ sang xe điện. Nhóm này có trong tay những ưu thế rất lớn là kinh nghiệm sản xuất, hệ thống phân phối hoàn chỉnh, tập khách hàng thân quen, cùng với đó là sức mạnh thương hiệu.