Bộ Công an đề xuất cán bộ, chiến sĩ được đeo kính đen làm việc trong trường hợp đặc biệt nào?

Admin

Hiện nay cán bộ, chiến sĩ bị cấm đeo kính đen khi làm nhiệm vụ, nhưng trong dự thảo đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất một số thay đổi.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của ba thông tư ra năm 2019 có nội dung về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ Công an nhân dân.

Trong bản dự thảo tờ trình và dự thảo Thông tư do Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an xây dựng có đưa ra nhiều điểm mới, bổ sung so với quy định hiện hành. Cụ thể, Điều 43 những điều cấm với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Cục này đề xuất bổ sung nội dung như: Đeo kính đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác; đút tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ; nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân để dài và sơn màu; để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt,...

Đáng chú ý ở khoản 1 điều 43, đề xuất bổ sung mới hơn so với quy định hiện hành là: Cấm cán bộ, chiến sĩ đeo kính đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác, trừ trường hợp đeo kính màu đen để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và phải được Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đồng ý".

Điều này đồng nghĩa với việc, trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo sức khỏe thì cán bộ, chiến sĩ sẽ được phép sử dụng kính, nhưng cần phải được sự cho phép của cấp trên.

Bộ Công an đề xuất cán bộ, chiến sĩ được đeo kính đen làm việc trong trường hợp đặc biệt nào?- Ảnh 1.

Kiến nghị Cảnh sát có thể đeo kính màu đen để đảm bảo sức khỏe và phải được Thủ trưởng đồng ý. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế.

Lý giải về đề xuất này, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an cho rằng,"xuất phát từ thực tế công tác nghiệp vụ, ý kiến của lực lượng Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc tại Châu Phi khi thực hiện nhiệm vụ ngoài trời có nhiệt độ cao, không đảm bảo sức khỏe đôi mắt khi làm việc dưới trời nắng nóng gay gắt".

Ngoài đề xuất trên, tại Điều 42 Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau: Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, không dùng từ "lóng". Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì nói lời xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình trao đổi thông tin, kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân và quy tắc ứng xử trên internet, mạng xã hội. Không đăng tải hình ảnh trang phục, số hiệu Công an nhân dân, các loại giấy tờ do Công an cấp lên mạng Internet, mạng xã hội. Không định vị địa chỉ, khu vực phòng làm việc của đơn vị lên bản đồ trực tuyến. Trường hợp phục vụ công tác phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị...

Theo Bộ Công an, mục đích của việc xây dựng Thông tư và đề xuất sửa đổi các nội dung trên nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện quy định về điều lệnh nội vụ, đội ngũ, nghi lễ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công tác công an, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 20/8/2024.