Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình: Đà Nẵng sẽ có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới

Admin

Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20-30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn.

Hội thảo do UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực và ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Phát biểu tham luận tại sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: 20 năm trước, anh Phan Diễn – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị có đặt vấn đề: Đà Nẵng sẽ thành thành phố như thế nào? Tôi nói: “Chúng tôi muốn Đà Nẵng trở thành thành phố trí tuệ. Lúc đó không ai tin, doanh nghiệp không tin. Nhưng tôi vẫn tin là chúng ta làm được và đã làm được. Cơ bản nhất là chúng ta có khát vọng”.

Theo ông Trương Gia Bình, câu chuyện phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng lần này cũng cần khát vọng mãnh liệt. “ Bằng mọi cách, chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới , và vượt mọi khó khăn, cản trở để làm được. Để làm được điều đó cần: Nhân lực; Thu hút đầu tư và có ‘Thảm đỏ’ – cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng ngành này phát triển”, Chủ tịch FPT khẳng định.

Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình: Đà Nẵng sẽ có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới - Ảnh 1.

Làm sao để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao? Là câu hỏi ông Trương Gia Bình đặt ra và trả lời đầu tiên. FPT mỗi năm có 6.000 -7.000 Sinh viên Công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. Sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng. FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20-30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn . Ngoài việc đào tạo, ông Trương Gia Bình đề xuất thành phố có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về đây tạo điều kiện để họ gắn bó và phát triển.

Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư là việc quan trọng cần phải làm. “Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì ‘trâu ăn theo đàn’ là tâm lý chung của Tập đoàn nước ngoài” , ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, để thu hút đầu tư cần trải thảm đỏ đón doanh nghiệp. Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng cần chứng minh thực lực bằng các con số: Nhân sự, doanh nghiệp, nhân vật danh vọng của ngành ở tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh hai từ khoá là xu hướng xây dựng thành phố thông minh trên thế giới: Chuyển đổi số; Chuyển đổi xanh. Đà Nẵng sẽ đi theo hướng này để tạo sự khác biệt và xây dựng hình ảnh thành phố thông minh với thế giới.

“Thời gian gần đây, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức nhiều diễn đàn với sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhà đầu tư... để tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tôi tin nếu giữ vững quyết tâm đó Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chung tay thực hiện khát vọng như trên con chip có hàng trăm IP của hàng trăm công ty, không thể tồn tại riêng lẻ” , ông Trương Gia Bình đúc rút.