Lý giải thái độ thản nhiên đến đáng sợ của kẻ đốt quán cafe khiến 11 người tử vong

Admin

Kẻ gây ra vụ cháy quán cafe khiến 11 người tử vong có thể là dạng tội phạm "rối loạn nhân cách chống đối xã hội" với đặc điểm là không có cảm xúc, khi phạm tội thường rất nghiêm trọng và không hối cải.

Tâm lý chung của tội phạm phóng hỏa thông thường

Sau khi bị tạm giữ tại cơ quan công an, Cao Văn Hùng (SN 1973, Hà Nội) kể lại hành vi đốt quán cafe khiến 11 tử vong một cách rất thản nhiên. Thái độ cười cợt, không chút hối hận của đối tượng khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc.

Lý giải về tâm lý tội phạm, Th.s luật Lê Bảo Ngọc (tác giả sách về Tâm lý Pháp lý) cho hay, nhiều người nghĩ "phóng hỏa" chỉ là một hành vi đơn thuần. Tuy nhiên, trong tâm lý học tội phạm, "phóng hỏa" là một loại tội phạm phức tạp.

Lý giải thái độ thản nhiên đến đáng sợ của kẻ đốt quán cafe khiến 11 người tử vong- Ảnh 1.

Cao Văn Hùng thể hiện thái độ thản nhiên khi kể lại hành vi phạm tội.

Theo những nghiên cứu tâm lý học tội phạm quốc tế thì có 8 động cơ phổ biến dẫn đến người bình thường thực hiện hành vi đốt phá gồm: Báo thù; hủy hoại tài sản; chống chính quyền/khủng bố; thỏa mãn ẩn ức tình dục bằng cách đốt phá; tiêu hủy bằng chứng, xóa dấu vết; cảm thấy hưng phấn, kích thích; mục đích trục lợi; mê tín dị đoan.

Các động cơ trên có thể xảy ra đơn lẻ, cũng có thể do kết hợp nhiều động cơ cùng lúc. Theo các nghiên cứu tâm lý tội phạm, xu hướng phóng hỏa có thể bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm tính cách như bốc đồng và tìm kiếm cảm giác mạnh.

Với sự bùng lên của ngọn lửa, người phạm tội nhận được sự kích thích, cảm thấy mình quan trọng, quyền lực, được công nhận và gây chú ý.

Những kẻ đốt phá phần lớn là những người có ức chế tâm lý, ít nói, nhẫn tâm, cảm xúc không ổn định, đồng thời có mong muốn trả thù mạnh mẽ và dai dẳng.

Lý giải thái độ thản nhiên đến đáng sợ của kẻ đốt quán cafe khiến 11 người tử vong- Ảnh 2.

Những người dân bình thường (dù không liên quan đến các nạn nhân) cũng không thể kìm chế được sự xót xa trước vụ việc.

Theo một báo cáo trong Bản tin thực thi pháp luật của FBI, đại đa số những người phóng hỏa khi tức giận có chỉ số thông minh và trí tuệ cảm xúc thấp hơn người bình thường.

Do trí thông minh và trí tuệ cảm xúc của những kẻ phóng hỏa không cao nên họ thường không lường trước được hậu quả xảy ra, hoặc có thể lường trước được nhưng cố ý hành động bất chấp hậu quả.

Đặc điểm tâm lý sau khi hành động, nếu không thành công hoặc thiệt hại quá nhỏ, họ có thể bực bội vì thiếu sự chuẩn bị và có thể có xu hướng oán giận và trả thù.

Tuy nhiên, nếu hậu quả thực tế vượt quá tưởng tượng ban đầu của người phóng hỏa, họ thường cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng, hối hận, thành tâm sám hối và chấp nhận cải tạo.

Tâm lý này chính là sự khác biệt với dạng tội phạm dưới đây.

Tại sao kẻ đốt quán cafe lại thản nhiên đến đáng sợ?

Đoạn clip Cao Văn Hùng kể lại hành vi phạm tội với thái độ cực kỳ bình tĩnh, thản nhiên đã khiến người xem bàng hoàng và cả ngạc nhiên.

Tuy nhiên, theo tâm lý học tội phạm, đối tượng có dấu hiệu khá rõ của dạng "rối loạn nhân cách chống đối xã hội" - một dạng rối loạn nhân cách thường thấy ở tội phạm cực kỳ nguy hiểm.

Trên thế giới, có một vụ rất giống với Cao Văn Hùng. Đó là vào ngày 14/12/2019, Tăng Văn Ngạn (24 tuổi), con trai của một bác sĩ đã dùng xăng đốt hội trường lớn của ngôi chùa tại Ngọc Tĩnh (Đài Nam, Đài Loan, Trung Quốc) khiến 7 người chết và 2 người bị thương.

Lý giải thái độ thản nhiên đến đáng sợ của kẻ đốt quán cafe khiến 11 người tử vong- Ảnh 3.

Vụ việc khiến 11 người tử vong và nhiều người bị thương, hiện có 2 nạn nhân vẫn đang được cấp cứu.

Do tính cách tiêu cực và hung bạo nên trước đó vào năm 2017, gia đình gửi Ngạn đến chùa để tu tâm dưỡng tính. Tại đây, có một lần anh ta xảy ra mâu thuẫn rồi quậy phá rất bạo lực và dọa đốt chùa, khiến chùa phải trả về cho gia đình.

Năm 2019, gia đình định gửi Ngạn trở lại chùa nhưng bị từ chối. Sau đó anh ta mua xăng rồi đến Thượng điện để đốt chùa vì khu vực này được làm bằng gỗ, sẽ gây hậu quả lớn nhất.

Khi bị bắt, trong suốt quá trình điều tra và xét xử, Ngạn thoải mái nói chuyện, không mảy may hối hận về hành vi của mình. Hành vi và biểu hiện của Ngạn được các nhà tâm lý học pháp y xác định là "rối loạn nhân cách chống đối xã hội".

Kẻ đốt quán cafe khiến 11 người chết phải đối diện nhiều tội danhLai lịch phức tạp của kẻ phóng hỏa quán cafe khiến 11 người tử vongÁm ảnh hiện trường vụ cháy quán cafe và quá khứ bất hảo của nghi phạm khiến 11 người tử vong

Đã có nhiều nghiên cứu tâm lý tội phạm chỉ ra sự liên quan giữa "rối loạn nhân cách chống đối xã hội" với hành vi phóng hỏa. Những người này có tỷ lệ tham gia đốt phá cao hơn so với người thường.

Dấu hiệu dễ nhận diện nhất của thủ phạm này là sau khi phóng hỏa là dù hậu quả nghiêm trọng đến mức nào, bao nhiêu người chết thì họ vẫn rất thản nhiên, không tỏ ra đau khổ, hối hận.

Đặc điểm điển hình của chứng rối loạn nhân cách trước hết là thiếu sự đồng cảm, thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi đau khổ của người khác. Tiếp theo là đối xử với mọi người theo cách không phù hợp với những chuẩn mực được xã hội (độc ác, khắc nghiệt, bắt nạt, rất tàn nhẫn,…).

Cuối cùng là thiếu khả năng tự phản ánh, phân biệt đúng sai rất kém, thường đổ lỗi và trút giận mọi chuyện lên người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Điều đáng quan ngại là dạng tội phạm này thường hay tái phạm, nhiều tiền án, tiền sự.

Khi thực hiện hành vi phóng hỏa, nhóm người này thường lường trước hậu quả, nhưng không quan tâm. Thậm chí, mong muốn hậu quả khủng khiếp sẽ xảy ra, chỉ cần những người họ ghét phải trả giá đắt là được.

Th.s Lê Bảo Ngọc cho rằng: "Trước sự máu lạnh của người Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, người bình thường sẽ cảm thấy rất khó hiểu, thường nghĩ chỉ có trên phim ảnh, nhưng thực tế một số người như vậy đang tồn tại xung quanh mình. Mọi người cần nâng cao kiến thức, cảnh giác để xác định và ứng phó với kiểu người đáng sợ này.”