Cơ cấu cổ đông tại BCTC của SGN bất tương đồng với kết quả giao dịch

Admin

Theo IMP Corp, công ty đã thoái sạch vốn tại SGN từ ngày 1/6. Tuy nhiên tại BCTC quý II/2023 của SGN, IMP Corp vẫn là cổ đông lớn sở hữu 7,61% vốn điều lệ SGN.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) vừa công bố, tính đến ngày 30/6/2023 công ty có 4 cổ đông đông lớn.

Trong đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ sở hữu 48,03% vốn điều lệ tương ứng hơn 16,1 triệu cổ phiếu SGN.

Theo sau là CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) sở hữu 17,64% vốn điều lệ, tương ứng gần 6 triệu cổ phiếu SGN. CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) sở hữu 9,11% vốn điều lệ tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu SGN.

Cuối cùng, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) sở hữu 7,61% vốn điều lệ tương ứng gần 25,6 triệu cổ phiếu SGN. Đáng chú ý, trước đó Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng đã thông báo thoái sạch vốn tại Phục vụ Mặt đất Sài Gòn từ ngày 1/6.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cơ cấu cổ đông tại BCTC của SGN bất tương đồng với kết quả giao dịch

 Cơ cấu cổ đông của SGN theo báo cáo tài chính quý II/2023.

Về IMP Corp, công ty được thành lập ngày 29/1/2010 có địa chỉ tại tầng 8, số 39A Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và người đại diện pháp luật là ông Lưu Quang Lãm.

Ngoài IMP Corp, ông Lưu Quang Lãm còn là đại diện của CTCP Đầu tư và Xây dựng IMP Kinh Bắc, Công ty TNHH IMP Khải Hoàn Công ty TNHH IMP Soài Rạp, Công ty TNHH IMP Sado và Công ty TNHH MTV IMP Lâm Bình.

Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng chính thức tham gia vào SGN từ cuối năm 2014, cùng với CTCP Hàng không Vietjet và CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt. Thời điểm đó, IMP Corp sở hữu gần 12,8% vốn điều lệ SGN, Vietjet sở hữu 5% và Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt sở hữu 2,25% vốn điều lệ tại SGN. Việc mua thoả thuận theo giá hợp đồng là 14.100 đồng/cổ phiếu với thời hạn năm giữ 5 năm.

Đến tháng 7/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng đã bán 1,7 triệu cổ phiếu SGN trong tổng 4,3 triệu cổ phiếu sở hữu cho Vietjet với giá trung bình 81.400 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến cơ cấu cổ đông, ngày 7/7 CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã bán ra 980.000 cổ phiếu SGN, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu từ 7,6% xuống còn 4,7% vốn điều lệ, tương đương nắm giữ 1,58 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, Him Lam không còn là cổ đông lớn của SGN.

Về kết quả kinh doanh quý II/2023, doanh thu thuần của SGN đạt hơn 365,2 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là doanh thu hàng không với 359,4 tỷ đồng, tăng 55%. Do đà tăng của giá vốn hàng bán mạnh hơn đà tăng của doanh thu nên biên lãi gộp co từ 33% còn 31%, lãi gộp tăng 30% lên hơn 114 tỷ đồng.

Cấn trừ các chi phí, SGN báo lợi nhuận sau thuế gần 78,2 tỷ đồng, tăng 61% so với kết quả cùng kỳ. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận quý II tăng nhờ sản lượng khai thác của các hãng hàng không quốc nội và quốc tế phục hồi mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty đã ký kết được thêm hợp đồng phục vụ cho một số khách hàng mới, điều chỉnh tăng phí dịch vụ với một số khách hàng hiện tại. Đồng thời, công ty con SAGS - CXR đã có lãi trở lại so với khoản lỗ của cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, SGN ghi nhận doanh thu thuần tăng 71% lên hơn 694,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 75% lên 130 tỷ đồng. Năm 2023, SGN lên kế hoạch đem về 1.280 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 28% và 51% so với thực hiện năm 2022.

Như vậy với kết quả đạt được trong nửa đồng năm, công ty đã thực hiện được lần lượt 28% và 38% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của SGN tăng 17% lên 1.258,3 tỷ đồng, chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn 629,8 tỷ đồng - chiếm 50% tổng tài sản và tăng 20% so với cùng kỳ.

Khoản phải thu khách hàng của doanh nghiệp tăng 20% lên 372,3 tỷ đồng, phần lớn là Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet gần 181 tỷ đồng, Bamboo Airways 72,6 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, đến cuối quý II, nợ phải trả của SGN ở mức 352 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 334 tỷ đồng và 18 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong kỳ, doanh nghiệp không ghi nhận khoản vay nợ thuê thuê tài chính nào.