Chiều ngày 18/7, ngày làm việc thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư tiếp tục tiến hành bào chữa cho hành vi của phạm tội của các bị cáo.
Sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Vũ Hồng Nam – cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã nêu thêm một số vấn đề để tự bào chữa cho bản thân. Ông Nam bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4 - 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự.
Nghẹn ngào trong nước mắt ngay khi bắt đầu, bị cáo Vũ Hồng Nam bày tỏ lòng biết ơn với đại diện Viện Kiểm sát đã áp dụng hài hòa các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đề xuất một mức án phù hợp với tội danh của bị cáo.
Ông Nam cũng cho rằng điều này thể hiện sự rộng lượng, khoan hồng, nhân văn, nhân đạo của các cơ quan tố tụng đối với những người “lầm đường lạc lối” nhưng biết ăn năn, hối cải.
Video cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam giải thích trước phiên tòa
Bị cáo này khẳng định không có ý định bào chữa hay giải thích thêm về hành vi nhận tiền của doanh nghiệp, tuy nhiên mong muốn được làm rõ thêm về yếu tố bối cảnh và động cơ xin tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về nước.
“Ngay từ khi về nước, tôi đã nhận thấy việc nhận tiền là hành động sai, tôi đã trình bày với cơ quan điều tra và hoàn trả lại số tiền. Bây giờ tôi đã nhận thấy rất rõ, mình là công chức mà nhận tiền là hoàn toàn sai từ góc độ pháp luật, sai cả về quy định của Đảng về những điều Đảng viên không được làm, sai về đạo đức công vụ của người công chức nhận lương của Nhà nước, phục vụ nhân dân. Nên tôi hoàn toàn nhận lỗi về việc mình đã nhận tiền”, ông Nam xúc động nói.
Về bối cảnh và động cơ xin tổ chức các chuyến bay, bị cáo này cho biết trong giai đoạn cuối năm 2020, tình hình công dân mắc kẹt ở Nhật Bản rất khó khăn và nhu cầu về nước là rất lớn.
Tuy nhiên số lượng chuyến bay giải cứu thì rất hạn chế, nhiều công dân phải đã mất việc làm, kinh tế khó khăn nhưng chờ đợi hàng tháng trời vẫn không có chuyến bay về nước.
Trong bối cảnh đó, với cương vị là Đại sứ, ông Nam đã ký nhiều công văn gửi về nước đề nghị xin tổ chức thêm các chuyến bay combo để đưa hàng nghìn công dân về nước.
Ông Vũ Hồng Nam khẳng định dù bất kỳ ai ở cương vị của bị cáo – là đại diện của một hà nước tại nước sở tại, cũng đều sẽ lựa chọn hành động như vậy và điều này xuất phát từ tình cảm giữa người với người, chứ không vì mục đích vụ lợi.
“Rất nhiều người đã trách tôi rằng: Tại sao không ngồi yên? Tại sao lại sáng kiến? Tại sao lại phải xin thêm các chuyến bay làm gì? Nếu chỉ làm các chuyến bay giải cứu thôi thì chắc chắn sẽ không xảy ra bất kỳ chuyện gì. Trong những lúc chua cay nghĩ lại, có lúc tôi cũng đã tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại làm như thế?
Nhưng nếu tôi không làm vậy thì hàng nghìn con người sẽ lâm vào khốn khó và có thể gặp phải những tình huống rất xấu trong lúc dịch bệnh. Thời điểm cuối năm 2020, tình hình hết sức căng thẳng, hàng chục nghìn con người đã mất việc làm, không có tiền, không có nhà ở, không có bảo hiểm…. Trong tình hình như thế thì không thể không xin các chuyến bay. Tôi cũng đã từng điện về trong nước để xin chuyến bay giải cứu nhiều lần nhưng không có”, bị cáo Vũ Hồng Nam phân trần đồng thời cho rằng dù vướng vào "vòng lao lý" nhưng vẫn thấy việc xin tổ chức thêm các chuyến bay combo để kịp thời đưa công dân về nước là đúng đắn.
Bên cạnh đó, cựu Đại sứ cũng cho biết ở thời điểm đó nước bạn cũng thúc giục phải sớm đưa công dân về nước nhất là những người lao động bất hợp pháp để giảm bớt gánh nặng chống dịch, càng khiến cho việc sớm tổ chức được các chuyến bay trở nên cấp bách.
“Tôi không muốn ngụy biện cho hành vi nhận tiền của mình, đó là hành động sai trái. Nhưng tôi vẫn nghĩ việc xin tổ chức các chuyến bay là đúng từ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của đại diện Nhà nước với công dân”, ông Nam kết thúc phần trình bày.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng