Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?

Admin

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt trước những sức ép đến từ biến động vĩ mô quốc tế, cũng như nền kinh tế trong nước.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lợi nhuận tăng trưởng vững chắc

ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024.

Trong đó, ACBS dự báo tổng thu nhập của các ngân hàng tăng trưởng 15,3% với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao là 15,6% . Trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo chỉtăng trưởng 8,5% do mảng bán chéo bảo hiểm dự báo tiếp tục khó khăn. Chi phí hoạt động được kiểm soát, tăng chậm hơn tổng thu nhập, ở mức 10,8% k, giúp các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời vững chắc.

Bên cạnh đó, ACBS nhận thấy một số tín hiệu tích cực cho thấy nợ xấu đã tạo đỉnh và chất lượng tài sản có thể hồi phục trong năm 2025. Nhóm phân tích dự phóng tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Chi phí tín dụng tăng nhẹ lên 1,2% trong năm 2025 từ mức 1,1% trong năm 2024. Chi phí dự phòng dự báo tăng 22,2% so với năm 2024 do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày, nhưng sẽ có sự phân hoá giữa các ngân hàng.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao

Tính đến cuối tháng 11/2024, tín dụng tăng trưởng 11,9% so với đầu năm và 16,6% so với cùng kỳ 2023, cao hơn so với trung bình giai đoạn 2013 đến nay là 14,4%.

Theo ACBS, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và NHNN được thực hiện để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế, vốn vẫn đang đối mặt với những vấn đề tồn đọng sau cuộc khủng hoảng thị trường BĐS và TPDN năm 2022-2023.

ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (~10%), với những lý do sau: Nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6,5%-7% và phấn đấu 7-7,5%. Đầu tư công được Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh trong năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng vượt bâc trong giai đoạn 2026-2030. Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, qua đó làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 3.

Áp lực thanh khoản giảm bớt, lãi suất huy động sẽ ổn định

Tính đến cuối T9/2024, tăng trưởng tiền gửi thị trường 1 mới chỉ đạt 4,9% so với đầu năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ (9%). Theo ACBS, nguyên nhân là do chênh lệch lãi suất VNĐ-USD ở mức âm trong một số thời điểm khiến dòng vốn chưa quay trở lại Việt Nam và khiến áp lực thanh khoản gia tăng. Tuy nhiên, NHNN điều tiết trên thị trường liên ngân hàng giúp thanh khoản hệ thống vẫn duy trì ổn định trong thời gian qua.

ACBS dự báo áp lực thanh khoản giảm dần trong thời gian tới khi FED nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất xuống 4,5% đến cuối năm 2024 và tiếp tục hạ xuống 3,5%-4,25% đến cuối năm 2025.

Chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump có thể khiến tiến trình kéo giảm lạm phát về mục tiêu 2% chậm hơn và FED buộc phải neo lãi suất đồng USD ở mức cao lâu hơn dự kiến. Tuy nhiên, với việc dòng vốn từ xuất siêu, FDI, kiều hối,… ngày càng tăng của Việt Nam, cộng với chênh lệch lãi suất VNĐ-USD hiện không còn đáng kể và lãi suất USD sẽ tiếp tục giảm khiến ACBS cho rằng lãi suất huy động VNĐ sẽ không chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2025 và dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm có thể duy trì ổn định quanh mức 5% trong năm 2025.

Ngoài ra, các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (hiện khoảng 2/3 đang được gửi tại NHNN) sẵn sàng hỗ trợ cho nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, BIDV, VietinBank) mỗi khi thanh khoản hệ thống gặp vấn đề. Do đó, các ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều dư địa thanh khoản để giữ lãi suất đầu vào cạnh tranh hơn nhóm ngân hàng tư nhân.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 4.

NIM kỳ vọng phục hồi vào cuối năm 2025

ACBS cho biết NIM Q3/2024 toàn ngành giảm 0,24 điểm % so với quý trước và giảm 0,04 điểm % với cùng kỳ, xuống mức 3,4%. NIM giảm trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, lãi suất cho vay (đặc biệt đối với các khoản vay ngắn hạn, chiếm ~57% tổng dư nợ) hiện đang ở mức rất thấp (5-7%). Tuy nhiên, các gói ưu đãi và ân hạn lãi vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Bão Yagi đến hết năm 2024 có thể khiến NIM tiếp tục duy trì ở mức thấp trong Q4/24.

ACBS kỳ vọng thị trường BĐS năm 2025 sẽ phục hồi dần cộng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025. Qua đó, NIM năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích của ACBS được kỳ vọng tăng 0,05 điểm % so với năm 2024

“Nhìn chung, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn sau cuộc khủng hoảng thị trường BĐS và TPDN vào năm 2022-2023, KQKD của ngành ngân hàng vẫn duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành ngân hàng hiện đang tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó vào năm 2012-2013”, ACBS đánh giá.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 5.

Tỷ lệ CASA chưa hồi phục như kỳ vọng

Theo ACBS, tỷ lệ CASA (tiền gửi thanh toán) đóng vai trò khá quan trọng đến chi phí vốn và KQKD của các ngân hàng. Thông thường, tỷ lệ CASA chịu ảnh hưởng bởi: (1) xu hướng thanh toán trực tuyến, (2) lãi suất có kỳ hạn và (3) sự sôi động của các kênh đầu tư.

Tỷ lệ CASA mặc dù có sự phục hồi kể từ giai đoạn lãi suất giảm mạnh từ Q1/23, nhưng chưa quay trở lại mức đỉnh cũ giai đoạn Covid-19. Điều này khiến chi phí vốn cũng như KQKD của ngành ngân hàng chưa thực sự cải thiện tích cực trong giai đoạn vừa qua.

Cho năm 2025, ACBS kỳ vọng tỷ lệ CASA được cải thiện một cách rõ nét hơn và hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn của các ngân hàng.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 6.

Thời điểm khó khăn nhất đã qua, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo ACBS, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã suy yếu đáng kể từ sau khủng hoảng BĐS và TPDN năm 2022-2023. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết vẫn duy trì ở mức cao trong 4 quý liên tiếp và tăng nhẹ 0,04 điểm % trong Q3/24 lên 2,25%. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ.

Nhìn chung, nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân và doanh nghiệp SME (VPBank, VIB, OCB) có tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 cao hơn nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp lớn (VCB, CTG, BID, TCB). Trong khi Bộ đệm dự phòng không còn dày và chỉ ở mức tương đương giai đoạn trước Covid-19.

Số ngày thu lãi toàn ngành đến cuối Q3/24 ở mức 58 ngày, cao hơn so với giai đoạn chất lượng tài sản ở mức tốt năm 2022 của ngành ngân hàng,trước khi khủng hoảng BĐS và TPDN xảy ra. Trong đó, một số ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ có số ngày thu lãi rất cao, cho thấy nợ tiềm ẩn xấu vẫn còn lớn ở các ngân hàng này. Rủi ro suy giảm lợi nhuận trong tương lai của các ngân hàng này rất lớn nếu các khoản lãi dự thu không thu hồi được, dẫn tới thoáithu nhập lãi, gia tăng trích lập dự phòng.

“Tuy nhiên, nhìn chung, chúng tôi nhận thấy số ngày thu lãi đã tăng chậm lại trong 02 quý gần đây, báo hiệu nợ tiềm ẩn xấu đang được kiểm soát tốt hơn”, ACBS đánh giá.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu mặc dù vẫn tăng nhẹ trong 02 quý liên tiếp, nhóm phân tích nhận thấy một số có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025: Tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong Q3/24, thấp hơn trung bình lịch sử là ~0,5%/quý. Trong đó, nợ nhóm 2 (chỉ báo sớm của nợ xấu) giảm 8 bps trong Q3/24 và duy trì xu hướng giảm 02 quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. Dư nợ chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi chiếm tỷ trọng khoảng 1,2% và được phép tái cơ cấu theo Thông tư 53/2024 đến hết năm 2025.

“Do đó, chúng tôi đánh giá tác động lên nợ xấu của các ngân hàng là không lớn. Số ngày thu lãi bình quân, như đã đề cập, cũng có chuyển biến tích cực cho thấy nợ tiềm ẩn xấu nhìn chung đang được kiểm soát”, ACBS cho hay.

Nhìn chung, ACBS dự báo rằng thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-24 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 7.

Bộ đệm dự phòng phân hóa

ACBS cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện nhẹ trong Q3/24 lên mức 83%, tương đương giai đoạn trước Covid-19. Bộ đệm dự phòng không còn dày nhưng có sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng NHTM tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các NHTM quốc doanh.

Nhóm phân tích cũng nhận thấy nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023. Trong khi đó, đối với nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi bão Yagi, các ngân hàng sẽ được giãn tiến độ trích lập dự phòng với mức trích lập tối thiểu đến cuối năm 2024, 2025 và 2026 lần lượtlà 35%, 70% và 100%.

Dự báo chi tiết về ngành ngân hàng năm 2025: Lợi nhuận, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu sẽ diễn biến thế nào?- Ảnh 8.

Với những nhận định trên, ACB dự báo chi phí tín dụng của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng nhẹ lên 1,2% trong năm 2025 từ mức 1,1% trong năm 2024. Chi phí dự phòng dự báo tăng 22,2% so với năm 2024. Trong đó, các ngân hàng VietinBank và Techcombank ít chịu áp lực trích lập thêm dự phòng nhờ chất lượng tài sản ổn định và bộ đệm dự phòng tốt. Trong khi MB và VIB có thể sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng để cảithiện bộ đệm dự phòng của mình. Sacombank có triển vọng hoàn nhập dự phòng trái phiếu VAMC khi thu hồi các khoản nợ xấu tồn đọng.