Phê La, Phúc Long, Katinat, Oola, La Si Mi... những thương hiệu trà – cà phê Việt đang trỗi dậy, chiếm sóng thị trường trà sữa, làm lu mờ các chuỗi nhập ngoại từng một thời khiến giới trẻ phát cuồng, dù giá đến 50.000-60.000 đồng/ly.
Trà sữa thương hiệu Việt trỗi dậy
Các báo cáo thị trường F&B gần đây cùng chung nhận định thị trường trà sữa đang trở nên bão hòa. Dễ nhận thấy các thương hiệu trà sữa một thời luôn chứng kiến cảnh giới trẻ xếp hàng chờ mua đang dần trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên thực tế không phải thị trường này đi xuống mà là đổi hướng khi xu hướng tiêu dùng thay đổi.
Trong hơn 1 năm qua, kiểu trà sữa với vị quá ngọt, quá béo đặc trưng của các thương hiệu ngoại đã không còn được chuộng.
Trà sữa đậm vị với cách pha trà trà đậm vị tự nhiên, không bị quá ngọt sữa đang tạo nên xu hướng. Điểm nổi bật của trà sữa đậm vị đang khiến người tiêu dùng mê mẩn là cốt trà thơm đậm đà, có vị chát đặc trưng của trà rất rõ nét nhưng lại không đắng gắt, dễ uống, đặc biệt thoảng hương thơm của từng loại trà được pha đúng cách. Trào lưu này trả lại cơ hội cho Phúc Long, vốn nổi tiếng với ly trà sữa có cốt trà ngon.
Cùng với Phúc Long, Katinat cũng trỗi dậy và kéo theo hàng loạt thương hiệu mới ra đời, phát triển mạnh mẽ như Phê La, Oola, La Si Mi. Những chuỗi mới này cùng chung ý tưởng phát triển trà đặc sản Bảo Lộc, Thái Nguyên, những địa danh sản xuất trà nổi tiếng của Việt Nam.
Sinh sau đẻ muộn, nhưng cách Phê La hút khách khá đặc biệt với tuyên bố mạnh mẽ “Chúng tôi bán Ô Long đặc sản Đà Lạt” cùng câu chuyện thương hiệu về hành trình đi tìm “đậm vị nguyên bản” với sứ mệnh “đánh thức những nốt hương đặc sản của nông sản Việt Nam”.
Phê La đã định vị tên tuổi của mình thành công từ phương châm chỉ phục vụ hương vị trà đặc sản của Đà Lạt. Có thể nói, xu hướng trà sữa đậm vị bắt nguồn từ sau khi Phê La xuất hiện trên thị trường, đặc biệt sau COVID-19.
4 năm có mặt trên thị trường, Phê La đã mở 31 cửa hàng (tính đến đầu tháng 9/2024). Tại nhiều cửa hàng, thương hiệu này dành riêng một khu vực nhận khách giới hạn và chỉ bán trà, cà phê nguyên chất pha chế thủ công. Báo cáo của Vietdata cho thấy năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và khoảng 57 tỷ lợi nhuận.
Katinat cũng trỗi mạnh mẽ với câu chuyện sản phẩm chủ chốt tạo nên tiếng vàng thương hiệu là trà sữa đậm vị, được pha từ những búp trà Ô long trồng ở cao nguyên Mộc Châu. Menu của thương hiệu này rất nhiều những món trà đặc trưng như Ô long tứ quý sữa, Trà B’lao sữa, Trà ô long nướng sữa,…
Trà sữa Oola gần đây cũng xuất hiện hoành tráng tại TP.HCM với nhiều cửa hàng đặt tại Quận 1, Quận 3 thu hút đông khách trải nghiệm. Thương hiệu này cũng tự nhận tiên phong phát triển trà sữa Ô Long đặc sản Bảo Lộc, hướng đến việc cung cấp dòng trà Ô Long đậm vị tại Việt Nam.
Một thương hiệu cũng đang phủ sóng mạnh mẽ với phong cách trà sữa đậm vị là La Si Mi. Chuỗi cũng cho biết nguyên liệu sử dụng là trà tươi từ cao nguyên Lâm Đồng, đặc biệt là Ô long tạo nên những ly trà sữa đúng gu. La Si Mi đã có 37 cửa hàng phủ sóng nhiều nhất ở TP.HCM và các tỉnh thành trọng điểm du lịch từ Đà Nẵng trở vào phía Nam cùng 4 địa chỉ tại Hà Nội.
MayCha, với lợi thế giá hợp với nhu cầu tiêu dùng bình dân của sinh viên, nhân viên văn phòng, cùng sự đa dạng của menu cũng phát triển mạnh với 80 cửa hàng hoàn toàn không nhượng quyền sau 6 năm ra mắt.
Tại sự kiện Vietnam F&B Summit 2024 vừa tổ chức tại TP.HCM, nhà sáng lập Phùng Anh Thế cho biết, một cửa hàng của anh có lúc bán 3.000-4.000 ly trà sữa/ngày. Doanh thu chuỗi 80 cửa hàng MayCha khoảng hơn 550 tỷ đồng/năm với 1.700 nhân viên.
Thương hiệu này từng xuất hiện trên màn hình quảng cáo LED của tòa nhà Nasdaq Tower giữa Quảng Trường Thời Đại - Mỹ tháng 11/2023. Đây là một phần trong chiến dịch được GrabFood thực hiện, nhằm tôn vinh các đối tác nhà hàng tại Đông Nam Á.
Các thương hiệu trà sữa từng làm mưa làm gió giờ ra sao
Báo cáo thị trường chuỗi trà sữa của Vietdata cho thấy nhiều thương hiệu trà sữa có kết quả kinh doanh đi lùi trong năm 2023, khi tiêu dùng giảm trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Thể hiện rõ nhất là các chuỗi từng làm mưa làm gió như Gong Cha, Toco Toco, Dingtea, Koi Thé, Bobapop đều có doanh thu và lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022.
Số liệu từ nền tảng cung cấp dữ liệu này cho thấy năm ngoái, Toco Toco – thương hiệu trà sữa đầu tiên của Việt Nam, có doanh thu thuần đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022, tương đương mất khoảng 77,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi sau thuế của chuỗi âm liên tiếp 3 năm, trong đó lỗ lớn nhất là năm 2023, hơn 112 tỷ đồng. Hai năm 2021-2022, mức lỗ lần lượt là hơn 77 tỷ và 54 tỷ đồng.
Toco Toco định vị thương hiệu là “trà sữa made in Việt Nam”, ra mắt năm 2013, với hướng đi không sính ngoại, chủ trương sử dụng nông sản Việt để làm đồ uống. Chuỗi này nhanh chóng phủ rộng điểm bán với hơn 700 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc và hiện diện tại nhiều thị trường Mỹ, Úc, và Nhật Bản.
Trong chiến lược của mình, Toco Toco đặt mục tiêu đạt 1.500 cửa hàng vào năm 2024, phủ kín mạng lưới toàn quốc và phát triển sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,...
Trong khi đó, KOI Thé, thương hiệu trà sữa từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng có kết quả kinh doanh không khả quan trong năm 2023 khi doanh thu và lợi nhuận cùng giảm so với năm trước. Chuỗi này năm ngoái đạt doanh thu thuần gần 320 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến hơn 50%, ở mức khoảng 23 tỷ đồng.
KOI Thé có mặt tại Việt Nam năm 2015, hiện có 47 cửa hàng và không có hình thức nhượng quyền thương hiệu. Chuỗi từng có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất ấn tượng trong 2 năm 2021 đến 2022, với mức tăng trưởng 60% doanh thu và 730% lợi nhuận.
Còn Ding Tea năm 2023 có doanh thu thuần chỉ 30 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 80% song chưa đến mức lỗ.
Năm 2022, Ding Tea cũng từng có mức tăng trưởng doanh thu tăng trên 35% và lợi nhuận sau thuế cũng theo đó tăng lên đến gần 160%.
Đây là thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan (Trung Quốc), gia nhập thị trường Việt Nam năm 2013 và đang có gần 200 cửa hàng cả nước. Thương hiệu hiếm khi đưa ra chương trình khuyến mãi, cũng không có nhiều chương trình quảng cáo mà chủ yếu từ truyền miệng.
Bobapop năm ngoái cũng có doanh thu giảm hơn 30% so với năm 2022, chỉ đạt 55 tỷ đồng. Chuỗi này lỗ liên tiếp 3 năm, mức lỗ lớn nhất là năm 2021, với khoảng 8,5 tỷ đồng, năm 2023 lỗ khoảng 1,2 tỷ đồng.
Bobapop cũng đến từ Đài Loan (Trung Quốc), mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam đầu năm 2013, theo đuổi mô hình take-away đầu tiên tại TP.HCM. Chuỗi này đang có hơn 150 cửa hàng tại Việt Nam.
Ngược với các chuỗi đang lỗ lớn, Gong Cha năm ngoái mang về doanh thu tăng 13% so với năm 2022, đạt gần 115 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng tăng đến gần 100%, thoát lỗ lũy kế nhờ có sự điều chỉnh trong cách vận hành kinh doanh và quản lý chi phí. Cũng trong năm 2023, Gong Cha lấn sân sang bán cà phê.
Gong Cha cũng là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan (Trung Quốc), gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 thông qua hình thức nhượng quyền. Tính đến tháng 7/2024, chuỗi có 40 cửa hàng ở Việt Nam.
Một chuỗi đến Việt Nam muộn màng nhưng phát triển thần tốc và có doanh thu, lợi nhuận vượt bậc là Mixue. Đây là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, gia nhập thị trường Việt Nam năm 2018 dưới tên gọi Công ty TNHH Snow King Global, trụ sở chính tại Hà Nội. Đến tháng 4/2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng trong chưa đầy 5 năm.
Năm 2023, Mixue có doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh hơn 200% so với năm trước, đạt hơn 200 tỷ đồng.
Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế giá rẻ, từ 25.000-35.000 đồng. Khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa, chuỗi này linh hoạt chuyển kem tươi thành sản phẩm chủ đạo, tinh gọn menu trà sữa, tập trung vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.