Gắn quả vải vào câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Lục Ngạn

Admin

Doanh nghiệp du lịch sẽ đồng hành, phát triển các sản phẩm nông nghiệp của Lục Ngạn một cách đa dạng, phong phú, thu hút khách tham quan đến với địa phương.

Ngày 13/6, Chương trình du lịch "Lục Ngạn mùa vải chín 2023" đã được tổ chức với mục đích nhằm quảng bá, giới thiệu và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm vải thiều, sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Văn Năm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh, Lục Ngạn có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để hình thành và phát triển thành vùng cây ăn quả trọng điểm với nhiều sản vật nổi tiếng.

Xu hướng thị trường - Gắn quả vải vào câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Lục Ngạn

Tháng 4/2023, tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách kỷ lục châu Á”, ông Năm chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Trọng Tùng)

“Nhắc đến Lục Ngạn là nhắc đến trái vải thiều - đặc sản nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trái vải của Lục Ngạn có chất lượng vượt trội, vị thế thương hiệu của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định không chỉ ở thị trường trong nước mà ở hầu khắp các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc… 

Tháng 4/2023, tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách kỷ lục châu Á”, ông Năm chia sẻ tại sự kiện. 

Vải thiều Lục Ngạn đã sớm được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2008; được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước; năm 2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Huyện đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (gồm Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Úc, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã); trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Lục Ngạn là điểm đến du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc trong cả 4 mùa. 

Nhắc về những thành quả đã đạt được từ mùa vải chín năm 2022, ông Năm chia sẻ, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức thành công chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè”, có sức lan tỏa, hiệu ứng rất tốt, được nhiều du khách trong nước, quốc tế biết và đến tham quan, trải nghiệm. 

Thành công trên cũng là tiền để để địa phương tiếp tục tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” với chủ đề “Tinh hoa trái cây Việt - Đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á” với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu, quảng bá cho du khách hình ảnh vùng đất, con người Lục Ngạn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách. 

Đồng thời, góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch xanh và bền vững; phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. 

Xu hướng thị trường - Gắn quả vải vào câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Lục Ngạn (Hình 2).

Ông Trần Văn Hành - Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ sinh thái Giáp Sơn. (Ảnh: Trọng Tùng).

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Hành - Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ sinh thái Giáp Sơn, cây vải đem lại giá trị, làm giàu cho nhiều địa phương ở huyện Lục Ngạn. Hiện nay, nhờ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào canh tác đã giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Năm 2023, với tổng diện tích trên 17.000 ha trồng vải chuyên canh, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000 ha vải chín sớm; dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn; thời vụ thu hoạch bắt đầu từ ngày 25 tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 2023. 

Xu hướng thị trường - Gắn quả vải vào câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Lục Ngạn (Hình 3).

Các đại biểu tặng hoa chúc mừng các HTX du lịch (Ảnh: Trọng Tùng).

Từ đầu vụ đến nay, huyện Lục Ngạn đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn quả tươi vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành, chúng tôi đã và đang và sẽ phối hợp với các đơn vị, HTX, người dân địa phương đã phát triển các sản phẩm của Lục Ngạn, trong đó có quả vải một cách đa dạng, phong phú, đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch nông nghiệp và nông thôn”.

Tại đây, một số hợp tác xã du lịch trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã được ban tổ chức tặng hoa chúc mừng. Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức thi hái, bó và đóng vải, các hợp tác xã chế biến và trưng bày các sản phẩm từ vải, sản phẩm đặc trưng của địa phương để du khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức.

Phương Anh - Trọng Tùng