Hầu hết các ngân hàng niêm yết, đang giao dịch trên thị trường chứng khoán đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay cho thấy sự phân hóa rõ nét sau nhiều năm liền tạo đỉnh.
Điều đáng nói là ngoài các ngân hàng lớn đang niêm yết, nhà đầu tư ngóng đợi những tín hiệu từ các ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đặc biệt là các ngân hàng có kế hoạch chuyển sàn niêm yết bởi lẽ, trong quá khứ, nhiều ngân hàng sau một quãng thời gian trên UPCoM sẽ niêm yết cổ phiếu và tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư.
Hiện tại, có 8 ngân hàng đang đăng ký giao dịch trên UpCOM so với 19 ngân hàng đang niêm yết, tức số ngân hàng chưa niêm yết chiếm tỷ lệ khá lớn. Năm 2023, có 3 trong số 8 cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM có kế hoạch niêm yết.
Hàng loạt ngân hàng trên UpCOM công bố kết quả kinh doanh
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank – mã chứng khoán: BVB): Quý 2/2023, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 14,2 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu đạt gần 40 tỷ đồng, sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 do chiến lược thúc đẩy ngân hàng bán lẻ. Tuy vậy, tổng tài sản của BVBank tăng mạnh trở lại trong quý 2/2023, vượt qua mốc 80.000 tỷ, đạt 81.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. .
Ngân hàng TMCP An Bình (mã chứng khoán: ABB): Lợi nhuận sau thuế của ABBank chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 94% so với quý 2/2022 do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên gấp 3 lần. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ABBank đạt hơn 541 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank- mã chứng khoán: NAB): Lợi nhuận trước thuế ngân hàng quý 2 đạt gần 761 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt gần 1.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 200.205 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm trước. Đáng chú ý, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 80,9%, từ 1.943 tỷ đồng lên 3.514 tỷ đồng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,63% lên 2,72% vào thời điểm cuối quý 2.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (mã hứng khoán: PGB): PGB báo lãi tăng 24% trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của PGBank tăng 27% đạt hơn 120 tỷ đồng trong quý 2/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng 24%, đạt gần 243 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (mã chứng khoán: SGB): SGB báo lãi trước thuế 6 tháng hơn 183 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, do hầu hết hoạt động kinh doanh sụt giảm. Riêng quý 2, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 2% lên gần 79 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (mã chứng khoán: VAB): Lãi trước thuế 6 tháng đạt 522 tỷ đồng, giảm 16%. Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản giảm 1% so với đầu năm, còn 104.618 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại ngày 30/6 của VietABank tăng 73% so với đầu năm, lên mức 1.660 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng tăng vọt từ 1,53% đầu năm lên 2,49%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank- mã chứng khoán: VBB): Ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 giảm 38% so với cùng kỳ xuống còn 171,6 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, VietBank báo lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm 5%, lần lượt đạt 369 tỷ đồng và 294 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VietBank đạt 115,699 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm trong đó cho vay khách hàng tăng 8,8% lên 68.532 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại VietBank trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 6,4% lên 80.880 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank- mã chứng khoán KLB): Lợi nhuận sau thuế quý 2 của KienLongBank đạt gần 160 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. 6 tháng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 321,4 tỷ đồng, tăng 15% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng tài sản của KienlongBank ghi nhận đến hết quý 2 đạt 86.408 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 77.571 tỷ đồng. Cũng trong kỳ này, dư nợ tín dụng tại KienlongBank đạt mức 48.554 tỷ đồng, tăng 6,72% so với năm 2022.
Những cổ phiếu ngân hàng sắp chuyển sàn niêm yết có gì thú vị?
Trong số các ngân hàng trên UPCoM hiện tại, có 3 ngân hàng đã thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết cổ phiếu trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên đầu năm nay.
Năm 2023, Đại hội cổ đông của NamABank đã thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết. Cùng với kế hoạch này, NamABank chốt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 205.000 tỷ đồng (tăng 15,4%), huy động vốn tăng 12,8%, dư nợ cho vay tăng 10,4%…
Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng phù hợp kế hoạch, hành trang chào sàn chứng khoán (nếu thực hiện được như kế hoạch) của NamABank có nhiều điểm đáng chú ý. Tuy vậy, ngày lên sàn của NamABank vẫn chưa lộ diện dù ngân hàng đã nộp hồ sơ lên HoSE từ hồi tháng 5.
Một ngân hàng khác cũng đã tiết lộ kế hoạch chuyển sàn niêm yết là VietBank. Thời gian gần đây, VietBank liên tiếp công bố thông tin liên quan giao dịch cổ phiếu, thay đổi nhân sự, thay đổi đăng ký chi nhánh cũng như các hoạt động khác như các hoạt động gia tăng số hóa, ưu đãi cho vay tiểu thương, hộ kinh doanh…Tuy vậy, kế hoạch chuyển sàn niêm yết của VietBank vẫn chưa có thông tin mới.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm nay, Ngân hàng Bản Việt - BVBank đã chốt chuyển sàn niêm yết và ủy quyền cho Hội đồng quản trị chọn thời gian phù hợp và làm các thủ tục liên quan. BVBank là một trong số những ngân hàng trên UPCoM được giới đầu tư quan tâm sâu bởi lẽ là một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ nhưng đạt tăng trưởng lợi nhuận liên tục 5 năm liên tiếp.
Dù thời gian tích lũy lợi nhuận chưa lâu, BVBank là một trong những ngân hàng có tầm nhìn dài hạn về chuyển đổi số, tập trung cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng SMEs để phân tán rủi ro.
Ngân hàng cũng sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận để triển khai gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay bổ sung vốn (từ 0,5%-2%) cho hoạt động sản xuất kinh doanh; gói lãi suất cho vay đặc biệt 10,5% dành cho khách hàng cá nhân và hỗ trợ giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Để phục vụ mục tiêu dài hạn, BVBank đang phải chi phí hoạt động cao nên kết quả lợi nhuận ngắn hạn chưa đạt kỳ vọng.
Hành trang lên sàn niêm yết của BVBank ghi dấu ấn của việc cùng với tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn, cho vay, là mức độ tăng trưởng rất nhanh về số lượng khách hàng mới cũng như khách hàng cũ gia tăng giao dịch.
Tính đến tháng 6/2023, số lượng khách hàng của BVBank đã hơn 1,5 triệu khách hàng. Riêng với mảng chuyển đổi số, số lượng khách hàng mới tăng hơn 30% so với đầu năm. Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch 6 tháng 2023 tăng lần lượt 50% và 20% so với cùng kỳ 2022. Trước đó trong năm 2022, BVBank cũng đã ghi nhận lượng khách hàng mới tăng tới 70% trong khi giao dịch qua kênh số tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
Cùng với việc phát triển ngân hàng số, BVBank vẫn đang tích cực gia tăng mạng lưới chi nhánh, gia tăng nhận diện thương hiệu ở 31 tỉnh thành và tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Kết thúc 6 tháng đầu năm, BVBank có 116 điểm kinh doanh, tăng thêm 8 điểm so với đầu năm, hệ thống ngân hàng tự động (CRM) cũng mở rộng với gần 30 điểm trên toàn quốc. BVBank cũng tuyển thêm gần 300 nhân sự, nâng số lượng nhân sự cuối quý 2/2023 lên gần 2.700 người. Tháng 6/2023, Ngân Hàng Nhà Nước cũng chấp thuận mở thêm 15 điểm giao dịch, nâng tổng số đơn vị kinh doanh BVBank lên 131 đơn vị vào cuối năm 2023.
Cho đến thời điểm hiện tại, BVBank, NamABank, VietBank đều chưa có thông tin gì mới về việc chuyển sàn niêm yết. Tuy nhiên, hành trang lên sàn của cả 3 ngân hàng trên UpCOM đều chứa đựng những điều thú vị.