Mã OTP, căn cước, tài khoản ngân hàng: 3 thứ tội phạm mạng luôn nhắm tới

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Nhiều đối tượng ngang nhiên vi phạm pháp luật, liên tục sử dụng chiêu trò mới, trong đó phổ biến là mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chuyên nghiệp

Từ năm 2024 đến nay, xuất hiện loại tội phạm giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng để mời chào vay online, hỗ trợ xử lý sự cố viễn thông hoặc ví điện tử. Chúng cũng mạo danh cán bộ Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo “phạt nguội” hoặc liên quan đến vụ tai nạn bỏ trốn.

Sau đó, các đối tượng dụ dỗ người dân kết bạn Zalo, truy cập vào đường link giả, cài đặt ứng dụng giả mạo và liên kết tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Mã OTP, căn cước, tài khoản ngân hàng: 3 thứ tội phạm mạng luôn nhắm tới- Ảnh 1.

Cơ quan công an tỉnh Bình Phước lấy lời khai đối tượng trong một vụ án lừa đảo trên không gian mạng

Trước đó, vào ngày 16/02/2025, chị N.T.H. (45 tuổi, ngụ tại Tp.Đồng Xoài) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0826.354.571.

Người ở đầu dây tự xưng: “Chào chị, tôi gọi từ Công an tỉnh Bình Phước. Đề nghị chị chiều mai mang căn cước công dân đến trụ sở Công an tỉnh tại số 12, đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, Tp.Đồng Xoài để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.”

Khi chị N.T.H. hỏi rõ về cấp bậc, chức vụ và đơn vị công tác, đối tượng liền tự nhận là Trung úy Phan Văn Hưng, thuộc Đội Điều tra tổng hợp Công an tỉnh Bình Phước.

Trong quá trình trao đổi, đối tượng liên tục đe dọa, nhấn mạnh đây là vụ việc "nghiêm trọng", yêu cầu chị H. nhanh chóng đến cơ quan công an để làm rõ. Tuy nhiên, khi chị H. cho biết đang đi làm ăn xa và không có mặt tại địa phương. Đối tượng liền hướng dẫn chị kết bạn qua ứng dụng Zalo, gửi hình ảnh mặt trước và mặt sau căn cước công dân để "xác minh thông tin".

Sau đó, đối tượng yêu cầu chị cung cấp mã xác nhận SMS gửi về số điện thoại cá nhân, đồng thời liên tục thúc ép, gây áp lực tâm lý buộc chị phải thực hiện ngay theo chỉ dẫn.

Mã OTP, căn cước, tài khoản ngân hàng: 3 thứ tội phạm mạng luôn nhắm tới- Ảnh 2.

Người dân cần cảnh giác với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại lừa đảo.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Hiện nay, các băng nhóm lừa đảo công nghệ cao hoạt động với tính chất ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp, thậm chí có sự "chuyên môn hóa" rõ rệt.

Nhiều nhóm đối tượng tổ chức như một công ty thực thụ, có văn phòng, bộ phận nghiên cứu, chia vai trò cụ thể từ kỹ thuật đến tâm lý học để khai thác nạn nhân. Các kịch bản lừa đảo liên tục được thay đổi, khiến công tác tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn".

Người dân cần nêu cao cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng

Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước thông tin, Công an tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo lực lượng phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời quyết liệt đấu tranh, triệt phá loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao. Mỗi người dân phải tự nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm lừa đảo tinh vi này.

Mã OTP, căn cước, tài khoản ngân hàng: 3 thứ tội phạm mạng luôn nhắm tới- Ảnh 3.

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.

Thời gian gần đây, nhiều thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao với hình thức mới liên tục xuất hiện, tinh vi và khó lường.

Các đối tượng mạo danh cảnh sát khu vực, công an phường/xã/thị trấn để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc kích hoạt VNeID, nhằm chiếm đoạt tài sản. Một số chiêu trò khác bao gồm: Giả mạo website dịch vụ công trực tuyến, các trang web và tài khoản mạng xã hội của cơ quan Nhà nước để lừa đảo; Giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu xác thực sinh trắc học, thông tin cá nhân qua điện thoại; Giả làm shipper giao hàng, lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản.

Giả mạo mã QR thanh toán tại cửa hàng, siêu thị, bệnh viện, nhà hàng; Giả danh cơ quan bảo hiểm xã hội để dụ đăng ký, nhận quà; Gửi link chứa mã độc, mạo danh xác thực định danh điện tử hoặc tài khoản ngân hàng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phòng chống lừa đảo trên mạngCảnh báo lừa đảo trên mạng bằng hình thức kêu gọi từ thiệnHà Nội: “4 không, 2 phải” trong phòng, chống lừa đảo trên mạng

Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, cảnh báo người dân cần chủ động phòng ngừa, tuyệt đối tuân thủ Quy tắc “6 KHÔNG” để không trở thành nạn nhân: Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho người lạ; Không vội vàng chuyển tiền, đặc biệt trong các giao dịch chưa xác minh rõ ràng;; Không kết bạn, trò chuyện với tài khoản lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh bắt mắt, hấp dẫn; Không tham gia nhóm, hội không rõ mục đích trên mạng xã hội; Không truy cập link, website, app lạ hoặc mở file đính kèm từ người không quen biết; Không có bất kỳ cơ quan nào điều tra, thu tiền qua điện thoại. Không chuyển khoản, không đặt cọc cho người lạ trong mọi tình huống.

Người dân cũng cần tỉnh táo trước những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao", các khoản thưởng, quà tặng không rõ nguồn gốc hoặc những “lợi nhuận phi thực tế”.

Ở góc độ pháp lý, luật sư - Thạc sĩ Đặng Thị Thúy Huyền (đoàn Luật sư Tp.HCM, Công ty Luật HPL và Cộng sự) nhận định: Cần sớm xây dựng hàng rào pháp lý chặt chẽ cho các giao dịch điện tử. Siết chặt và xử lý nghiêm các đối tượng trao đổi, mua bán, khai thác trái phép dữ liệu cá nhân.

Truy bắt và xử lý đến cùng các đối tượng lừa đảo để răn đe, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Công an tỉnh Bình Phước đề nghị: Khi có vướng mắc về thủ tục hành chính hoặc vụ việc liên quan, lực lượng Công an sẽ gửi giấy mời hoặc cử cán bộ đến làm việc trực tiếp, không yêu cầu làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội.

Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho công an địa phương gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.