Nhận diện hành vi bạo lực trên không gian mạng

Admin

Nhiều cá nhân hiện nay phải đối mặt với bạo lực trên các trang mạng xã hội nhưng không biết cách giải quyết dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Sáng nay (6/12), buổi toạ đàm về bạo lực trên không gian mạng đã được diễn ra trong bối cảnh hành vi này đang được diễn ra vô cùng phức tạp với nhiều hình thức khác nhau.

Đánh giá về nguyên nhân và nhận diện những hành vi bạo lực trên mạng xã hội, ông Hà Anh Tuấn  - Chủ tịch Vinalink Media cho biết có 3 nhóm người trên không gian mạng có những hành vi xấu, độc gây ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân.

Thứ nhất là những nhóm người mong muốn tăng tương tác, sự nổi tiếng cho bản thân. “Nhóm người này có thể chưa nghiên cứu sâu sự việc nhưng vẫn đăng các quan điểm cá nhân với nội dung gây tranh cãi, bới móc đời tư,…nhằm mục đích  có nhiều người quan tâm và nhiều người coi việc làm này là một nghề kiếm tiền”, ông Tuấn phân tích.

Nhóm thứ hai, theo ông Tuấn là những người có động cơ rõ ràng muốn bôi nhọ. “Đối với nhóm này phần lớn đều dùng tài khoản ảo gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nếu chỉ một ý kiến các nhân sẽ ít tạo ra làn sóng ý kiến nhưng với tài khoản ảo tạo ra hàng nghìn bình luận khiến xã hội nhầm tưởng đó chuyện nguy hiểm, từ đó tạo ra hiệu ứng đám đông”, ông Hà Anh Tuấn cho biết.

Sự kiện - Nhận diện hành vi bạo lực trên không gian mạng

Ông Hà Anh Tuấn đánh giá về các hành vi bạo lực trên không gian mạng hiện nay.

Nhóm thứ 3 là những người luôn luôn hiềm khích với cuộc sống, luôn phê phán các vấn đề xã hội.

Ở đây, theo ông Tuấn người dùng mạng xã hội nên hướng tới các nội dung tích cực, phê phán theo góc nhìn hài hước, cung cấp các kiến thức giúp người khác tốt hơn thay vì những hành vi tiêu cực.

Trước những ảnh hưởng của bạo lực trên không gian mạng hiện nay, ông Hà Anh Tuấn cũng cho rằng khi đối diện với thông tin thất thiệt các nạn nhân cần ổn định tinh thần, có tiếng nói phản biện nhưng không biện minh, phản đối hay đấu tranh. Nếu sự việc gây hậu quả nghiêm trọng cần phải thông báo cho cơ quan chức năng.

Dưới góc độ pháp luật, Luật gia Nguyễn Anh Tuấn – Văn phòng Luật sư Interala, Đoàn Luật sư Hà Nội: “Những hành vi bắt nạt trực tuyến, lan truyền thông tin xấu độc trên không gian mạng hiện chúng ta có chế tài nghiêm khắc được quy định của thể tại Luật An ninh mạng 2018”.

Theo chuyên gia tuỳ theo tính chất, mức độ, diễn biến của hành vi vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cũng tại toạ đàm, ông Vương Duy Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá không nên nghĩ mạng xã hội chỉ là cuộc sống ảo.

“Vấn đề bạo lực trên không gian mạng đang diễn ra vô cùng phức tạp và cần sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành, các bộ phận an ninh mạng để có sự quản lý chặt chẽ, xây dựng quy tắc ứng xử, có tính răn đe để ngăn chặn những sự việc”, ông Vương Duy Liên chia sẻ.

Theo ông Liên cũng cần có những giải pháp tăng cường sự giáo dục trong xã hội và nhà trường để các nhân sử dụng không gian mạng một cách văn minh, có văn hoá.

Tham dự tại buổi toạ đàm, bà Trần Kiều Oanh là một trong những nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng cũng cho rằng những hành vi xúc phạm, bình luận trên mạng xã hội hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đến không chỉ người lớn và các em nhỏ. Nên cần có những giải pháp từ phía pháp luật để những nạn nhân được giúp đỡ, hỗ trợ.