Tổng thống Mohamed Bazoum bị nhốt trong dinh tổng thống ở Niamey cùng vợ và con trai, sau khi một nhóm sĩ quan tiến hành cuộc đảo chính lật đổ ông hôm 26/7.
Ông chưa xuất hiện lần nào kể từ cuộc đảo chính, nhưng các nguồn tin thân cận cho biết ông từ chối từ chức. Gia đình ông đang sống trong cảnh không có điện, chỉ còn gạo và thức ăn đóng hộp, một cố vấn thân cận của ông cho biết. Cố vấn cũng nói rằng sức khỏe của ông Bazoum đến nay vẫn bình thường.
Chính đảng của ông Bazoum ra tuyên bố xác nhận điều kiện khó khăn của ông và cho biết gia đình ông cũng không có nước sạch để sử dụng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc trao đổi với ông Bazoum hôm 8/8 về những nỗ lực ngoại giao gần đây. Trong cuộc trao đổi, ông Blinken "nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn cho Tổng thống Bazoum và gia đình ông".
Trong tuần này, chính quyền quân sự Niger triển khai các bước đi nhằm củng cố quyền lực và gạt bỏ nỗ lực hòa giải quốc tế. Ngày 9/8, phe đảo chính cáo buộc Pháp đang cố tìm cách gây bất ổn ở Niger, vi phạm không phận và không công nhận lãnh đạo chính quyền quân sự. Pháp bác bỏ cáo buộc.
Đầu tuần này, phe đảo chính đưa nhà kinh tế học Ali Mahaman Lamine Zeine lên làm thủ tướng. Ông Zeine từng là bộ trưởng kinh tế và tài chính nhưng đã rời vị trí sau cuộc đảo chính năm 2010. Sau đó, ông làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Phi.
Phe đảo chính từ chối tiếp các nhóm hòa giải từ Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi và khối ECOWAS của Tây Phi vì lý do an ninh.
ECOWAS dọa sẽ dùng vũ lực nếu phe đảo chính không khôi phục quyền lực cho ông Bazoum. Nhưng thời hạn chót vào cuối tuần qua đã qua mà ECOWAS chưa có hành động gì. Khối này dự kiến họp trong ngày 10/8 để thảo luận về tình hình.
Các tướng đảo chính nói rằng họ chiếm quyền vì họ có thể bảo vệ đất nước tốt hơn trước tình trạng bạo lực tôn giáo. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và phân tích cho rằng cuộc đảo chính là kết quả của cuộc đấu đá chính trị giữa tổng thống và chỉ huy lực lượng cận vệ, Tướng Abdourahmane Tchiani, người đang điều hành đất nước.