Sức mạnh "không đối thủ" của tỷ phú Elon Musk nhờ Starlink

Admin

Elon Musk đã đưa hàng ngàn vệ tinh Starlink vào quỹ đạo.

The New York Times đưa tin, vào ngày 17/3, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Tướng Valeriy Zaluzhnyi, lãnh đạo lực lượng vũ trang Ukraine, đã gọi điện để thảo luận về chiến sự của Nga ở Ukraine. Qua đường dây kết nối an toàn, hai nhà lãnh đạo quân sự đã trao đổi về hệ thống phòng không, đánh giá tình hình trên chiến trường và chia sẻ thông tin tình báo về tổn thất quân sự của Nga.

Họ cũng nói về Elon Musk.

Các nguồn thạo tin cho biết, ông Zaluzhnyi đã nêu ra chủ đề về Starlink, công nghệ internet vệ tinh do công ty tên lửa của Musk, SpaceX. Theo ông Zaluzhnyi, các quyết định trên tiền tuyến của Ukraine phụ thuộc vào Starlink và đất nước ông muốn đảm bảo quyền truy cập này và đã thảo luận về chi phí dịch vụ.

Sức mạnh không đối thủ của tỷ phú Elon Musk nhờ Starlink - Ảnh 1.

Tỷ phú Elon Musk

Thống trị không gian

Tỷ phú Elon Musk - ông chủ của SpaceX, Tesla và Twitter đã trở thành người thống trị trong không gian khi là ông lớn trong những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đó là internet vệ tinh. Và điều này khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới lo lắng.

Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần, ông Musk đều gửi tên lửa Space X vào không gian để đưa hàng chục vệ tinh vào quỹ đạo. Các vệ tinh liên lạc với các thiết bị trên trái đất, vì vậy, chúng có thể truyền internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh.

Ngày nay, hơn 4.500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động. Họ đã bắt đầu thay đổi màu sắc của bầu trời đêm, ngay cả trước khi tính đến kế hoạch của ông Musk là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong những năm tới.

Sức mạnh của công nghệ, thứ đã giúp đẩy giá trị của SpaceX lên gần 140 tỷ USD.

Starlink thường là cách duy nhất để truy cập internet ở các vùng chiến sự, vùng sâu vùng xa và những nơi có thiên tai. Nó được sử dụng ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng là một khách hàng lớn của Starlink, trong khi các quân đội khác, chẳng hạn như ở Nhật Bản, đang thử nghiệm công nghệ này.

Tuy nhiên, việc ông Elon Musk gần như kiểm soát toàn bộ internet vệ tinh đã dấy lên hồi chuông cảnh báo.

Tại Ukraine, một số lo ngại đã được chỉ ra. Ông Musk đã hạn chế quyền truy cập Starlink nhiều lần trong chiến sự, những nguồn thạo tin cho biết. Có thời điểm, ông từ chối yêu cầu của Ukraine về việc bật Starlink gần Crime.

Lo lắng về sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ của ông Musk, các quan chức Ukraine đã nói chuyện với các nhà cung cấp internet vệ tinh khác, mặc dù họ thừa nhận không có đối thủ nào sánh được với Starlink.

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Công nghệ của Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Starlink thực sự là huyết mạch của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông của chúng tôi".

Sức mạnh không đối thủ của tỷ phú Elon Musk nhờ Starlink - Ảnh 2.

Dàn vệ tinh Starlink quan sát được trong đêm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: ABC

Vươn tới bầu trời

Vào năm 2001, ông Martin Sweeting, một kỹ sư người Anh, người đã thành lập công ty sản xuất và thiết kế vệ tinh Surrey Satellite Technology, được một đối tác kinh doanh động viên gặp "một người muốn đặt nhà kính trên sao Hỏa". Người đó là Elon Musk.

Công ty của ông Sweeting sau này đã nhận được khoản đầu tư từ tỷ phú Musk và ông được đưa vào ban giám đốc trước khi bán cho Airbus vào năm 2009.

Được biết, ông Musk cũng quan tâm đến một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, nơi các vệ tinh nhỏ được đặt trên bầu trời cách mực nước biển vài trăm dặm, một khu vực được gọi là "quỹ đạo thấp của Trái đất," ông Sweeting cho hay.

Các vệ tinh có từ những năm 1960 thường lớn hơn - có kích thước bằng xe buýt - và nằm ở vị trí cao hơn trong không gian khiến khả năng liên lạc bị hạn chế. Các vệ tinh nhỏ hơn có thể quay quanh quỹ đạo ở độ cao thấp hơn, cho phép chúng liên kết với các thiết bị đầu cuối trên trái đất để truyền dịch vụ internet tốc độ cao đến các địa điểm xa.

Vì vậy việc có nhiều vệ tinh nhỏ là cần thiết. Ông Musk đã phóng vệ tinh Starlink đầu tiên của mình lên quỹ đạo vào năm 2019. Giờ đây, gần như mỗi tuần, một tên lửa SpaceX đều mang theo các vệ tinh Starlink cất cánh từ một địa điểm ở California hoặc Florida, Mỹ. Mỗi vệ tinh được thiết kế để hoạt động trong khoảng 3 năm rưỡi. Các vệ tinh có nhiều trên quỹ đạo đến nỗi chúng được nhầm lẫn là các ngôi sao băng. Starlink cung cấp tốc độ tải xuống internet thường khoảng 100 megabit mỗi giây.

"Mọi nơi trên Trái đất sẽ có internet băng thông cao, độ trễ thấp," ông Musk dự đoán trên podcast của Joe Rogan vào năm 2020. Quân đội, công ty viễn thông, hãng hàng không , tàu du lịch và chủ hàng hàng hải đã đổ xô sử dụng Starlink, công ty cho biết họ có hơn 1,5 triệu người đăng ký. Các đối thủ của Starlink đều gặp khó khăn, mặc dù sự cạnh tranh đang gia tăng.