Phát hiện yếu tố chính khiến bạn mất ngủ trong mọi trường hợp
Theo SciTech Daily, GS Anita Lüthi từ Khoa sinh học và y học của Đại học Lausanne cùng các cộng sự đã xác định được vai trò của vùng não mang tên "locus coeruleus" trong các trường hợp mất ngủ.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Neuroscience, vùng "locus coeruleus" nằm ở khu vực thân não và là một bộ điều chỉnh giấc ngủ và các rối loạn giấc ngủ.
Vùng này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi giữa giấc ngủ NREM và REM trong khi vẫn duy trì nhận thức tinh tế, vô thức về môi trường bên ngoài.
Giấc ngủ NREM là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh, chiếm phần lớn thời gian ngủ của chúng ta, bao gồm các mức độ từ nông đến sâu; còn giấc ngủ REM là giai đoạn chuyển động mắt nhanh, cực kỳ cần thiết để não bộ hồi phục và gắn liền với những giấc mơ.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng dưới mọi hình thức sẽ làm rối loạn hoạt động của vùng locus coeruleus, dẫn đến chất lượng giấc ngủ giảm sút.
Cơ chế nói trên được phát hiện thông qua một loạt thí nghiệm trên chuột, trong đó chỉ ra rõ ràng locus coeruleus bị tăng cường hoạt động quá mức nếu con chuột đó có trải nghiệm căng thẳng khi còn thức.
Điều này dẫn đến sự chậm khởi phát giấc ngủ REM và phân mảnh giấc ngủ NREM bằng cách gây ra quá nhiều lần thức giấc.
Điều này giải thích cho việc những được đang bị stress cảm thấy khó ngủ sâu, dễ tỉnh bất thường trong đêm và sau đó cứ trằn trọc mãi.
Ngoài ra, vì chịu trách nhiệm "người gác cổng" đối với chu kỳ giấc ngủ, nên vùng não này có thể đứng sau mọi kiểu mất ngủ, rối loạn giấc ngủ mà mọi người gặp phải.
Theo GS Lüthi, phát hiện này mở đường cho các nghiên cứu lâm sàng nhằm tìm ra phương pháp điều trị chứng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người.
Người phụ nữ bỏ lỡ "cơ hội vàng" vì sai lầm nhiều người thường gặp khi điều trị ung thư
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (58 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các biến chứng vỡ loét, chảy máu và hoại tử vú phải, là hệ quả trực tiếp từ việc tự điều trị bằng thuốc nam.
Theo đó, năm 2022, bà C đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư vú. Thay vì tuân theo phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, bà đã lựa chọn tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà. Kết quả là bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn diễn biến xấu đi nhanh chóng. Khối u ngày càng phát triển, biến dạng, sùi loét và chảy máu, gây đau đớn tột cùng cho người bệnh.
Đến tháng 8/2024, tình trạng của bệnh nhân trở nên vô cùng nguy kịch. BSCKII Trần Xuân Vĩnh, Trưởng khoa Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng. Khối u vú phải đã phát triển đến kích thước lớn, vỡ loét chảy dịch, thâm nhiễm rộng vào tổ chức da vùng ngực, kèm theo di căn hạch và di căn xa đến nhiều cơ quan. Ở giai đoạn này, các bác sĩ chỉ có thể tập trung vào điều trị giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống và giảm bớt đau đớn cho người bệnh.
Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ điều trị thành công là khá cao. Thật đáng tiếc, trong trường hợp này, việc từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại đã khiến bệnh nhân đánh mất cơ hội quý giá để kiểm soát và điều trị bệnh.
Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp cá biệt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh phức tạp do người bệnh tự điều trị không đúng cách, như các trường hợp đột quỵ bỏ lỡ thời điểm vàng, suy thận nặng do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hay ung thư tiến triển nhanh do điều trị theo thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội.
Thanh niên đang khỏe mạnh bất ngờ suy đa phủ tạng sau giết mổ lợn
Ngày 3/12, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận nam thanh niên 32 tuổi (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
BSCKI. Trần Đình Thăng - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, trước đó bệnh nhân giết mổ lợn trên một con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau mổ lợn 5 giờ, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo đau bụng, nôn nhiều. Bệnh nhân được chỉ định vào điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn.
Hai tiếng sau, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân có phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Các bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao, can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác, cấy máu dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Các bác sĩ phải nỗ lực điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng cải thiện tốt, dự kiến sẽ ổn định ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, do đến bệnh viện muộn nên trường hợp này có để lại di chứng giảm thính lực.
T.M (tổng hợp)