UAV cảm tử thế hệ mới của Nga có gì đặc biệt?

Admin

Sau hiệu quả của UAV cảm tử Lancet trong chiến dịch ở Ukraine, nhà sản xuất Zala Aero của Nga được cho là đã phát triển một thế hệ UAV cảm tử mới gọi là "Product 53".

Trong một chương trình được phát sóng gần đây trên kênh truyền hình Rossiya 1, công chúng đã có cái nhìn thoáng qua về UAV "Product 53", được cho là phiên bản thế hệ tiếp theo được nâng cấp của UAV Lancet.

Video chương trình được đăng tải trên mạng xã hội không lâu sau đó và được chia sẻ rộng rãi. Đoạn video cho thấy hình ảnh 360 độ của "Product 53" sắp được ra mắt.

Chuyên gia tham gia chương trình Alexander Rogatkin nhận định đây sẽ là một UAV thế hệ mới. Ông cho biết UAV chưa được giới thiệu đầy đủ vì những lý do an ninh và nó được thiết kế để tiến hành các cuộc tấn công bầy đàn.

UAV cảm tử thế hệ mới của Nga có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

UAV cảm tử thế hệ mới của Nga. Ảnh: Twitter

"Có một containter phóng riêng và một container vận chuyển. Khi được phóng, các UAV sẽ bay ra khỏi container, sải rộng cánh và nhắm vào mục tiêu", chuyên gia này cho hay, đồng thời nói rằng các container này có thể kết hợp với nhau để thực hiện phóng loạt.

Còn theo ông Alexander Zakharov, trưởng thiết kế Tập đoàn Zala Aero, UAV này gần như không có đối thủ và không có phương tiện nào đối phó được với nó.

"Việc chiến đấu với nó gần như bất khả thi", ông Zakharov nói

Ông Zakharov cho biết thế hệ UAV Lancet mới sẽ hành động theo hiệu lệnh của người vận hành nhưng đồng thời cũng có thể lựa chọn mục tiêu hoàn toàn tự động.

"Chúng tôi đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm chiến đấu. Nó áp dụng chế độ hoàn toàn tự động mà không cần sự can thiệp của con người".

Theo nhà sản xuất này, người điều khiển chỉ cần ra lệnh, quyết định phạm vi khu vực và chỉ định cụ thể xe bọc thép. Điều này tức là UAV trên sẽ không nhắm vào con người. Nó được thiết kế để tìm kiếm pháo và xe bọc thép. UAV này cũng đủ thông minh để nhận biết các radar và hệ thống phòng không là những mục tiêu giá trị và sẽ lựa chọn mục tiêu lớn hơn nếu đứng trước nhiều mục tiêu. Nếu phát hiện ra xe tăng và radar cùng lúc thì nó sẽ tấn công radar.

Nói về ý tưởng đằng sau UAV này, ông Zakharov cho biết UAV Lancet mới sẽ tương thích với hình thức chiến tranh lấy mạnh làm trung tâm (network-centric warfare), trong một mạng lưới kết nối một bầy đàn các UAV cảm tử thành một biệt đội. Chẳng hạn, nếu 1 UAV phát hiện ra một nhóm mục tiêu thì từng UAV cũng đều nhận ra chúng.

"Chúng không chỉ có khả năng phát hiện mà mỗi UAV còn lựa chọn từng loại đạn phù hợp. Các UAV Lancet từ thế hệ trước đã được sử dụng để thử nghiệm công nghệ này".

Sau khi chương trình trên được phát sóng, các chuyên gia quân sự cho rằng thiết kế UAV mới và bệ phóng hàng loạt sẽ làm tăng hiệu quả chiến đấu. Chuyên gia quân sự, đồng thời là cựu quân nhân Không quân Ấn Độ Vijainder K. Thakur nhận định: "Product 53 rất đặc biệt bởi nó có thể vô hiệu hóa các mối đe dọa khác nhau hợp thành lực lượng tấn công của đối phương. UAV này có thể hoạt động theo bầy đàn. Mỗi UAV trong bầy đàn có thể mang một loại đầu đạn khác nhau".

Lấy ví dụ, ông Thakur cho biết: "Một bầy đàn UAV tấn công vào lực lượng bộ binh cơ giới hóa đang tiến công có thể bao gồm UAV với các đầu đạn khác nhau, phù hợp để nhắm vào xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành hoặc pháo kéo. Kết quả là, cuộc tấn công bầy đàn này có thể xóa sổ toàn bộ đội hình tấn công ".

Chuyên gia UAV Nga Denis Fedutinov, đồng thời là tổng biên tập tạp chí Unmanned Aviation thì cho biết UAV có thể được phóng đồng thời từ nhiều hướng để đảm bảo phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương.

"Sử dụng một tổ hợp bệ phóng container sẽ đảm bảo có thể phóng vũ khí cảm tử lưu động nhanh chóng. Điều này làm tăng hiệu quả phá hủy xe bọc thép. Ngoài ra, nó cũng đảm bảo có thể vô hiệu hóa gần như các hệ thống phòng không do cuộc tấn công UAV đồng thời từ nhiều phía. Chúng tôi có thể nói Lancet với cơ chế ứng dụng này sẽ trở thành "sát thủ diệt hệ thống phòng không".