Chính phủ yêu cầu không để tăng giá dồn dập vào cuối năm

Admin

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không để tăng giá dồn dập vào cuối năm.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và các tháng cuối năm.

Theo Chính phủ, dư địa lạm phát tương đối rộng để các cơ quan nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, trên cơ sở Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu lạm phát cả năm 2023 là 4,5%. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cần chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất trong các dịp lễ, tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, đồng thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Tiêu điểm - Chính phủ yêu cầu không để tăng giá dồn dập vào cuối năm

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và các tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải chủ động đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá của các cơ quan trung ương và địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát hiệu quả lạm phát, nhất là lạm phát kỳ vọng.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định;

Rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ trước ngày 19/8/2023.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023;

Đồng thời, sửa đổi Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu…

Bộ GTVT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm.

Đối với một số hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện lộ trình giá thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai theo chức năng nhiệm vụ và mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra.