Chuyện chưa kể về nhà sáng lập thương hiệu Phúc Long

Admin

Hàng ngày đạp xe giao cà phê hơn 15 km trên khắp Sài Gòn, ông Lâm Bội Minh đã xây dựng một doanh nghiệp trị giá 400 triệu USD. Hành trình này không chỉ là một câu chuyện về khởi nghiệp, mà còn là một bài học về sự kiên trì và đổi mới trong ngành công nghiệp trà và cà phê tại Việt Nam.

Hành Trình Khởi Nghiệp Từ Chiếc Xe Đạp Đến Hệ Thống Cửa Hàng Trải Rộng

Năm 1968, khi mới 16 tuổi, ông bắt đầu làm công việc ở một chành xe vận tải hàng hoá. Sau giờ làm việc, ông mở cửa hàng bán nguyên liệu trà và cà phê, với một chiếc xe đẩy đặt tại góc đường Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm bấy giờ), quận 5.

Năm 1975, ông mở cửa hàng thứ hai tại 307 Lê Văn Sỹ, bên cạnh việc bán sản phẩm pha chế trà và cà phê, ông còn bán thêm thức uống cà phê. Vài năm sau, ông dời điểm bán, cũng trên đường Lê Văn Sỹ và duy trì đến hơn mười năm. Ông vừa làm chủ vừa làm công, đảm nhận từ mua nguyên liệu cho đến rang xay và giao hàng. Dưới cái nắng gắt của Sài Gòn, hàng ngày ông phải đạp xe đến quận 6 lấy hàng rồi đi giao khắp nơi trong thành phố.

Năm 1980, ông Lâm Bội Minh quyết định đổi mới mô hình kinh doanh bằng cách đưa cafe pha máy vào 63 Mạc Thị Bưởi. Mặc dù cửa hàng này chỉ có diện tích 9 m2, nhưng nó đã đánh dấu sự chuyển mình của Phúc Long vào ngành F&B.

Trong những năm 90, ông Lâm Bội Minh cùng đội ngũ của mình không ngừng cải thiện sản phẩm và mở rộng số lượng cửa hàng. Năm 2007, Phúc Long đã đầu tư vào đồi chè tại Thái Nguyên và xây dựng nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sự sáng tạo thức uống tiên phong tạo xu hướng trong giới trẻ

Với tinh thần sáng tạo không ngừng, ông Lâm Bội Minh đã biến trà truyền thống thành các thức uống độc đáo, phù hợp với xu hướng của giới trẻ. Ông đã kết hợp lá trà tươi nguyên với trái cây và siro để tạo ra các món uống đậm vị và thơm ngon. Phương pháp chế biến vẫn tuân thủ quy trình thủ công từ sàng lọc đến ủ trà và dầm trà bằng tay để chiết xuất hương vị đặc trưng. Quy trình này được chăm chút và lựa chọn từ vùng trồng đến sàng lọc, sấy trà, và thậm chí sản xuất siro theo công thức riêng để đảm bảo chất lượng ngon nhất và tươi mát nhất.

Trà trái cây Phúc Long (trà đào, trà vải và trà thảo mộc) vừa ra đời đã tạo ra cơn sốt. Thu hút sự quan tâm của thị trường. Phúc Long nhanh chóng trở thành một hiện tượng và dần được khách hàng đặc biệt là các tín đồ về trà, cà phê yêu thích.

Khi được hỏi về cách ông có thể sáng tạo các thức uống này, ông Lâm Bội Minh nói: "Nghề dạy nghề." Trong thời của ông, không có trường lớp nào dạy cách làm trà, rang chọn cà phê, chỉ có trường đời trui rèn kinh nghiệm.

Sự Chuyển Mình Và Bước Ngoặt Quan Trọng

Năm 2012, Phúc Long đã mở cửa hàng tại Crescent Mall, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển. Tại đây, Phúc Long chuyển sang mô hình tự phục vụ trong một không gian hiện đại. Sự đổi mới này đã thúc đẩy thương hiệu Phúc Long tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lên đến con số 70 quán trên khắp cả nước sau 40 năm.

Chuyện chưa kể về nhà sáng lập thương hiệu Phúc Long - Ảnh 1.

Cửa hàng Phúc Long tại Crescent Mall hiện nay. Ảnh: Phúc Long

Vào giữa năm 2020, ông Lâm Bội Minh quyết định chuyển nhượng thương hiệu Phúc Long cho một tập đoàn có quy mô và tầm nhìn lớn hơn. Hiện Ông chỉ còn nắm giữ 15% cổ phần, và Tập đoàn đang trong quá trình hoàn tất thương vụ thanh toán chuyển nhượng 15% còn lại. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của Phúc Long và mở ra cơ hội thay đổi cách thương hiệu này hoạt động và phát triển.

Nhà sáng lập Phúc Long tin rằng với tầm nhìn và quy mô của tập đoàn, Phúc Long sẽ trở thành biểu tượng của thương hiệu trà và cà phê Việt Nam trên toàn thế giới. Mục tiêu của ông là duy trì giá trị cốt lõi và hương vị truyền thống, kết hợp với phong cách thưởng thức hiện đại, đưa sản phẩm đến với nhiều người dùng hơn.

Chuyện chưa kể về nhà sáng lập thương hiệu Phúc Long - Ảnh 2.

Ông Lâm Bội Minh - Nhà sáng lập Phúc Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Chuyển nhượng thương hiệu Phúc Long đánh dấu một giai đoạn mới, giúp thương hiệu tiếp tục phát triển và đưa hương vị độc đáo của thức uống bản địa Việt Nam đến với tín đồ yêu trà và cà phê trên mọi châu lục", ông Lâm Bội Minh nói.

Hiện hệ thống Phúc Long giờ đã có thể sánh ngang với nhiều chuỗi thức uống nổi tiếng trên thị trường hiện tại. Phúc Long đang thể hiện sức mạnh cộng hưởng, tiềm năng và "sức bật" tốt hơn khi song hành cùng tập đoàn lớn hàng đầu của Việt Nam. Trong "cuộc chiến" cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt của thị trường F&B, nguồn vốn khủng và chiến lược điều hành bài bản từ tập đoàn lớn chính là động lực cần thiết để thương hiệu Phúc Long bứt phá trong giai đoạn sắp tới.