Nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu bằng lái máy bay tư nhân

Admin

Sẵn sàng chi 250 USD đến 350 USD/h để học lái máy bay, CEO hãng hàng không Bluesky Airways Hồ Thanh Hương đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam sở hữu bằng lái máy bay tư nhân.

8 năm cho giấc mơ… bay

Là phụ nữ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp bằng phi công tư nhân. Vì sao chị lại đi học lái máy bay ở tuổi không còn trẻ nữa?

CEO Hồ Thanh Hương: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đầu quân cho Vietnam Airlines và từ đó gắn bó với những chiếc tàu bay cho tới tận bây giờ. Tôi có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực thuê mua tàu bay thương mại tại hãng hàng không quốc gia, sau đó là Công ty Cho Thuê Máy Bay Việt Nam và Bamboo Airways. Trong vòng 8 năm trở lại đây, tôi bắt đầu mở rộng sang quản lý tàu bay thương gia và khai thác tàu bay thuê chuyến.

Vì vậy, được chinh phục bầu trời trên những chiếc tàu bay tư nhân là ước mơ của tôi từ rất lâu nhưng đến bây giờ mới có thời gian và điều kiện thực hiện.

Nam giới học phi công vốn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo, phụ nữ chắc hẳn cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là yếu tố tuổi tác, sức khỏe… đúng không thưa chị?

CEO Hồ Thanh Hương: Theo tôi thì tuổi tác hay giới tính không phải là rào cản trong việc chinh phục bầu trời, đặc biệt là trong việc được điều khiển những chiếc máy bay đăng ký tư nhân. Nhưng sức khỏe thì có.

Sau khi được cấp bằng, để được tiếp tục thực hiện các chuyến bay thì việc bền bỉ rèn luyện sức khỏe là điều không thể thiếu. Trong hàng không có kiểm tra sức khỏe định kỳ và chứng chỉ sức khỏe còn hạn phải luôn được mang kèm theo bằng lái khi ra phi trường.

Ngoài sức khỏe thì tiếng Anh cũng là một yêu cầu bắt buộc. Toàn bộ tài liệu học, khai thác… đều bằng tiếng Anh. Để liên lạc với các đài chỉ huy không lưu, phi công phải giao tiếp được bằng tiếng Anh tốt và phải được đào tạo thêm tiếng Anh chuyên ngành để có bằng ICAO English (giống như khi đi học nước ngoài thì các bạn trẻ học thi TOEFLE, IELTS, còn phi công sẽ học và thi để lấy bằng ICAO). Khi bay lên trời rồi thì ABC sẽ không giao tiếp với nhau là ABC mà sẽ là Alpha Bravo Charlie..

Nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu bằng lái máy bay tư nhân- Ảnh 1.

Trước khi chuẩn bị cất cánh

Vậy với cá nhân chị trong quá trình học có gặp khó khăn gì không? Có tình huống nào khiến huấn luyện viên phải can thiệp "gấp" hay chưa?

CEO Hồ Thanh Hương: Có chứ. Khó khăn trong khi học thì không ít nhưng mình quyết tâm là sẽ đạt được.

Lý thuyết lái máy bay không phải là rất khó, nhưng học trong một khoảng thời gian ngắn thì thực sự phải có khả năng chịu được sức ép thì mới có thể làm được. Tôi học ở Trường Đào tạo phi công Bay Việt, các thầy bảo phải tạo sức ép thì mới ra lò được các phi công giỏi.

Thực hành bay cũng vậy, với tôi, khó nhất là học hạ cánh. Vì là nữ nên tay lái yếu hơn các bạn nam, học mãi mà không hạ cánh được, tức phát khóc… Những lần hạ cánh bị hỏng thì thầy giáo phải can thiệp, không thì tàu bay sẽ phi ra khỏi đường băng và cả thầy cả trò sẽ dừng lại trên bãi cỏ.

Nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu bằng lái máy bay tư nhân- Ảnh 2.

CEO Hồ Thanh Hương kiểm tra cánh quạt động cơ và dầu máy trước khi bay

Trong cả quá trình học chị ấn tượng nhất với những điều gì?

CEO Hồ Thanh Hương: Mặc dù làm việc và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không nhưng khi đi học lái máy bay, có rất nhiều điều thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi.

Đầu tiên là trường bay, chắc không ở đâu dùng tàu bay mới xuất xưởng ra để đào tạo phi công mới lái như nơi mình học. Các trường bay tôi đã tìm hiểu ở nước ngoài tàu bay đào tạo cũ lắm. Vì vậy tôi đã quyết định học bay ở Việt Nam.

Chương trình học lý thuyết và thực hành đầy đủ để đảm bảo phi công tốt nghiệp có đủ khả năng để điều khiển tàu bay an toàn. Tôi được học hết các bài hạ cánh khẩn cấp trong các tình huống thời tiết chuyển xấu trong khi bay, thiết bị trên tàu bay lỗi không hoạt động nữa, thậm chí tắt động cơ hoàn toàn… thì phải làm gì và cuối cùng là phải hạ cánh được an toàn thì mới được Cục Hàng Không cấp quyết định thi lấy bằng.

Trước khi học nghe hơi sợ sợ, học xong rồi thì hiểu tại sao mình làm được. Lái máy bay không giống như lái ô tô, đã lên trời rồi là phải xuống được chứ không thể dừng xe giữa đường để gọi người thân đến trợ giúp.

Ấn tượng nhất trong các bài học là Stall Recovery (tàu mất lực nâng và học viên phải lấy lại trạng thái cân bằng để thực hiện tiếp chuyến bay). Học bài này, thầy giáo sẽ hướng dẫn để mình thao tác cho tàu mất lực nâng rồi yêu cầu mình khôi phục. Lúc đó tàu bay đã rớt mũi và chúi xuống mình nhìn thấy cả cánh đồng bên dưới rồi. Trong thực tế mình mà không làm được là tàu sẽ rơi tự do xuống đất từ độ cao mấy nghìn feet.

Không từ bỏ mục tiêu

Phụ nữ không phải ai cũng dám bước qua vùng an toàn từ cơ quan nhà nước sang làm việc cho tư nhân rồi trở thành bà chủ. Chị có nghĩ: Hiện tại, mình là người thành công?

CEO Hồ Thanh Hương: Tôi không có định nghĩa "người thành công". Với tôi, thành công có thể chia thành từng đầu mục công việc mà mình cần làm hay mình muốn làm tại một thời điểm nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ nói đến việc bay này nhé. Tôi đặt mục tiêu là mình sẽ có bằng phi công trước sinh nhật của mình để tự làm quà tặng. Thế là đăng ký học từ đầu tháng 3 và giờ đã có bằng trước sinh nhật mấy tháng. Thế là thành công rồi!

Trong công việc chị có "chơi" hết mình giống như cách chị sẵn sàng chi không ít tiền cho việc học phi công? Nếu để đánh giá, chị tự nhận mình là người như thế nào? Có điều gì chị tiếc nuối chưa làm được và điều chị tiếp tục đeo đuổi?

CEO Hồ Thanh Hương: Tôi là kiểu phụ nữ quyết tâm, đã đặt ra mục tiêu là sẽ không từ bỏ. Nên, lúc nào tôi cũng hết mình, cả công việc và những thú vui.

Nhưng công việc thì chỉ phải đầu tư thời gian thôi. Còn học phi công thì ngoài thời gian ra cũng cần đầu tư chút chút tài chính, không nhiều. Chi phí cho một giờ bay khoảng 250 USD đến 350 USD tùy từng loại tàu.

Có bằng rồi sẽ lại lên kế hoạch làm sao để thỉnh thoảng được bay tiếp. Hiện ở nước mình chưa có các Flying Club nên có bằng rồi mà muốn bay thì mình sẽ phải travel sang các nước bạn những nơi có Flying Club để bay và giao lưu.

Vì thế nếu hỏi tôi có tiếc nuối gì không thì câu trả lời là chưa bao giờ. Nhưng ước mơ ngắn hạn thì có. Đó là Việt Nam sớm thành lập một Câu lạc bộ Flying Club như các nước khác để các doanh nhân như tôi hoặc các bạn trẻ đam mê bay có sân chơi chung, giống như các câu lạc bộ Golf, cưỡi ngựa, bóng đá.

Chúc chị sớm đạt được mong ước của mình!