Thành Thành Công - Biên Hòa muốn nâng vốn điều lệ sát 8.900 tỷ đồng

Admin

Nếu chào bán thành công 148,1 triệu cổ phiếu SBT, dự kiến Thành Thành Công - Biên Hòa sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 8.886 tỷ đồng.

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - HoSE: SBT) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán hơn 148,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, tỉ lệ thực hiện quyền là 5:1 (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Thời gian xin ý kiến đến hết ngày 15/10/2023.

Giá chào bán dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 14% so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10 là 14.050 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, dự kiến Thành Thành Công - Biên Hòa huy động được hơn 1.777 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu này. Công ty sẽ dùng toàn bộ số tiền huy động được để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu đợt chào bán này thành công, dự kiến vốn điều lệ Thành Thành Công - Biên Hòa sẽ nâng lên hơn 8.886 tỷ đồng.

Số cổ phiếu trên sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng và dự kiến thực hiện trước ngày 31/12/2024, ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Hồ sơ doanh nghiệp - Thành Thành Công - Biên Hòa muốn nâng vốn điều lệ sát 8.900 tỷ đồng

Diễn biến thị giá cổ phiếu SBT (Nguồn: FireAnt).

Tại Đại hội cổ đông thường niên niên độ 2022-2023 diễn ra cuối tháng 10/2022, Thành Thành Công - Biên Hòa đã trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng quy mô nguồn vốn. Theo đó, số lượng dự kiến chào bán là gần 126 triệu cổ phiếu (tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành).

Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán, có chiến lược phù hợp với công ty. Thời gian thực hiện trước ngày 30/6/2023, tuy nhiên đến hiện tại công ty mới lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phiếu. 

Về bức tranh tài chính, theo báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2022 - 2023 (31/3/2022 - 1/6/2023), công ty ghi nhận 604,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 269 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường so với niên độ 2021 - 2022 và chi phí lãi vay tăng mạnh.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 29.934 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu niên độ. Trong đó, tiền mặt chỉ ghi nhận gần 3 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu niên độ.

Ngược lại, tiền gửi ngân hàng tăng 30% lên hơn 1.502 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng và hưởng lợi từ 3,3 - 5,3%/năm ở mức 1.640 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu niên độ.