Xem xét việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành sau chất vấn

Admin

Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về công tác lập pháp, dự kiến phiên họp sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết.

Trong đó, Luật Đất đai sửa đổi là dự án đặc biệt quan trọng, đã được chuẩn bị công phu. Dự án đã được xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiếp tục rà soát các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, qua đó cụ thể hoá được đầy đủ nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Do vậy, phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí cho ý kiến thêm một lần nữa, để hoàn thiện dự thảo tốt nhất trước khi trình Quốc hội.

Xem xét việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành sau chất vấn - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng đã được Uỷ ban Thường vụ cho ý kiến một lần. Đây là trụ cột của an sinh xã hội, và dự án luật này cũng cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ đồng ý cho ý kiến lần nữa trong phiên họp này để tiếp thu, hoàn thiện dự án luật tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về các dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bên cạnh đó, nếu chuẩn bị kịp hồ sơ, phiên họp này sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là dự án luật rất khó, sẽ bố trí xem xét vào cuối phiên họp tháng 9 này.

Ngoài các dự án luật, phiên họp sẽ cho ý kiến về 3 dự thảo Nghị quyết theo thẩm quyền. Trong đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về giám sát, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023". Đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát trong kế hoạch 2024. Sau phiên họp, sẽ ban hành nghị quyết, tổ chức các đoàn để triển khai từ cuối năm nay đến năm sau.

Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ sẽ xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Đồng thời xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung này sẽ tập trung vào việc xem xét thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành tại các phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023. Đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác.